An Giang: Thoại Sơn gắn dạy nghề với xây dựng nông thôn mới

19/09/2020
Hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là hướng đi mới của huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) và đang cho thấy những hiệu quả nhất định.
Mô hình đan giỏ mây và dạy nghề đan giỏ cho lao động nữ ở xã Định Thành.

 

Ở ấp Hòa Long, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn có mô hình đan giỏ mây và  dạy nghề đan giỏ cho nhiều chị em phụ nữ khác của chị Từ Thị Kim Sự (46 tuổi), mô hình này góp phần tạo việc làm cho các lao động nữ trong xã có thêm thu nhập, trang trải chi phí trong gia đình.

Làm nhiều hưởng nhiều

Hiện nay mô hình đan giỏ mây của gia đình chị Sự đang giải quyết được hơn 100 việc làm cho lao động ở địa phương và các xã lân cận. Những người chưa biết đan, chị Sự sẵn sàng dành thời gian dạy nghề miễn phí để bắt nhịp công việc nhanh nhất.

Chị Sự cho biết nghề đan này rất dễ học, chỉ cần chịu học thì mất vài giờ là rành. Chị em nào chịu khó, làm nhiều thì hưởng nhiều. Thời điểm vào vụ, có người kiếm thêm thu nhập gần 200.000 đồng/ngày.

Mới đây nhất, ở xã Định Thành cũng đã mở 2 lớp dạy nghề cho lao động địa phương. Việc chú trọng đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm ổn định đã giúp cho đời sống người dân trong xã được nâng lên, giúp nâng chất xã nông thôn mới nâng cao.

Hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng đi hiện nay của huyện Thoại Sơn.

Cách đây 2 năm, mức thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 47 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2010. Tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới giảm còn 3,10% so với năm 2011 là 6,60%.

Năm ngoái, Thoại Sơn là huyện đầu tiên của tỉnh An Giang đạt chuẩn nông thôn mới, trước thời hạn 1 năm, đồng thời có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Vĩnh Trạch và Thoại Giang.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thoại Sơn đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng, mà chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện thực hiện trong thời gian qua.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn là nơi đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho rất nhiều lao động địa phương. Để thực hiện tốt công tác đào tạo và giới thiệu việc làm, thời gian qua Trung tâm đã chủ động khảo sát nhu cầu học nghề, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tư vấn học nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Hướng đi đúng đảm bảo sinh kế

Các học viên tham gia học nghề ở Trung tâm dạy nghề huyện có việc làm hiệu quả như: nghề may công nghiệp, nghề chế biến bong bóng cá, đan giỏ, xây dựng dân dụng, sửa xe gắn máy, phục vụ cho các cơ sở kinh doanh sản xuất nhỏ tại địa phương. Thực tế cho thấy sau khi học các lớp dạy nghề ở địa phương nhiều lao động nữ đã có việc làm ngay tại địa phương mình và có thu nhập ổn định.

Nhiều lao động nữ ở xã Vọng Đông cho biết: Sau khi học nghề ở Trung tâm thì  đi may cho cơ sở ở địa phương, gần nhà nên cũng tiện cho việc chăm sóc con cái và gia đình. Nếu so với việc lên Bình Dương hoăc Tp.HCM thì thu nhập không bằng nhưng nếu tính cả chi phí thuê nhà trọ, ăn uống thì có việc làm tại địa phương vẫn ổn định và đỡ tốn kém hơn. Một số trường hợp trong thời gian học nghề cũng có thêm thu nhập nếu làm ra sản phẩm đẹp chất lượng.

Để đảm bảo sinh kế cho người dân thì huyện Thoại Sơn chú trọng đào tạo nghề, đa dạng hóa hoạt động tạo thu nhập.

Trong hoạt động đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ở các mô hình kinh tế hợp tác ở huyện Thoại Sơn phải kể đến HTX Nông nghiệp Vĩnh Trạch ở xã Vĩnh Trạch. HTX này đang mở ra mô hình liên kết đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho hàng ngàn nông dân tại địa phương.

Chuỗi liên kết dạy - học - làm của HTX Vĩnh Trạch đã tạo việc làm cho cả ngàn lao động trong xã. Hiện nghề đan ghế nhựa đã phủ khắp cả 7 ấp trong xã với thu nhập bình quân 120.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Hiệu quả của nghề đan không chỉ nâng thu nhập cho người dân địa phương, mà góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Theo giới chuyên gia, trong thời gian tới, để đảm bảo sinh kế cho người dân Thoại Sơn thì việc huyện chú trọng giải pháp đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo nguồn vốn, đa dạng hóa hoạt động tạo thu nhập, gắn với xây dựng nông thôn mới là một hướng đi đúng đắn, cần nhân rộng.

thoibaokinhdoanh.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video