9x khởi nghiệp với đồ lót không gọng

19/12/2019
Từng không đủ tiền mua 1 tô hủ tiếu, mạnh dạn thêo đuổi đam mê kinh doanh thời trang đồ lót không gọng, đến nay Nguyễn Thị Nhường đã trở thành chủ thương hiệu thời trang L.O.C.
Nguyễn Thị Nhường, chủ thương hiệu thời trang L.O.C

Thấu hiểu được sự khó chịu của nhiều chị em khi phải mặc áo ngực thời gian dài trong ngày nên Nguyễn Thị Nhường, chủ thương hiệu thời trang L.O.C (Q.3 , TPHCM) đã mạnh dạn từ bỏ giảng đường đại học theo đuổi đam mê kinh doanh thời trang đồ lót không gọng.

Ký túc xá là “xưởng may” đầu tiên

Nguyễn Thị Nhường, cô gái 9x năng động và nhiều năng lượng. Cô đã mạnh dạn bảo lưu kết quả ở năm cuối đại học để khởi nghiệp. Nhường cho biết việc thi vào ngành y vì thực hiện mong muốn của cha mẹ ở quê và lúc đăng ký thi đại học cô cũng chưa xác định được rõ ràng đam mê. Khi vào Sài Gòn học cô xin làm thêm nhiều ngành như pha chế, bán hàng, làm thiệp 3D… để tìm ra niềm đam mê của mình. Cho đến năm 4 đại học, cô mới phát hiện ra điều mình thích và quyết tâm theo đuổi.

“Năm 4 em thực tập ở một bệnh viện tâm thần. Vào đó, em mới biết được sức khỏe tinh thần vô cùng quan trọng. Em thấy bệnh nhân tâm thần nữ nhiều hơn nam. Nên em cảm nhận được rằng sống phải vui, phải thoải mái. Từ đó, em quan tâm đến chất lượng cuộc sống hơn, không để tác động bên ngoài ảnh hướng quá nhiều đến bản thân. Em phát hiện ra rằng, mỗi khi về tới nhà thì em muốn cởi bỏ áo ngực ra ngay lập tức. Điều này làm em cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Ngay thời điểm đó, em nghĩ tại sao không bắt đầu “cởi trói” cho chính bản thân mình trước, giải quyết những điều dù chỉ là nhỏ bé thôi nhưng mình sẽ vui hơn, tinh thần sẽ tốt hơn. Vậy là từ đó em tự may áo ngực để mặc”, Nhường kể lại.

Nhường chia sẻ: Khi còn là sinh viên cô ở ký túc xá, dù trong phòng chỉ là nữ nhưng cô và mọi người không thể không mặc áo ngực. Khi mặc trong thời gian dài khiến cô cảm thấy khó chịu. “Em ở ký túc xá có nhiều người nên em phải mặc áo ngực hoặc mặc áo khoác… Mỗi lúc không mặc thì em lại ngồi im trên giường của mình, nhưng không lẽ cứ về đến phòng là ngồi mãi trên giường? Điều này làm em cảm thấy không thoải mái”, Nhường bộc bạch.

Từ những suy nghĩ đó, trong đầu cô đã lóe lên ý tưởng may áo ngực riêng cho bản thân. Những chiếc áo đầu tiên được cô may tại ký túc xá và tặng cho các bạn cùng phòng trải nghiệm. “Khi em mặc những chiếc áo ngực của riêng mình em cảm thấy thoải mái, đi đâu làm gì cũng không bận tâm việc mặc hay không mặc. Mọi người trong phòng được tặng ai cũng khen. Rồi các bạn nữ phòng khác lại đến hỏi mua. Lúc đó em không dám bán. Em không phải thợ may cũng không phải thiết kế thời trang, em thấy mình may cũng rất xấu nên không thể bán được. Từ đó, khao khát mong muốn mở rộng việc may áo ngực càng trở nên thôi thúc trong em. Em nghiêm túc tập trung nghiên cứu về áo ngực không gọng và quyết định bảo lưu kết quả học để... khởi nghiệp.

Tích tiểu thành đại

Những ngày đầu khởi nghiệp đối với Nhường là những tháng ngày vô cùng gian nan. Không vốn, không kinh nghiệm, cô khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng và chịu sự phản đối gay gắt từ phía gia đình. Để có hướng đi cụ thể, cô đọc nhiều sách, nghiên cứu nhiều tài liệu về đồ nội y và bắt đầu với chiếc máy may gia đình giá 300 nghìn đồng vào năm 2016. Qua từng ngày sản phẩm của cô tạo ra dần được cải thiện về kiểu dáng lẫn chất lượng vải. Cô bắt đầu bán cho người quen với giá rẻ để mọi người trải nghiệm.

“Qua mỗi lẫn cải tiến thì sản phẩm dần hoàn thiện. Lúc ở ký túc xá em cứ say mê may ngày may đêm nên cũng ảnh hưởng đến mọi người. Sau đó, em chuyển ra ngoài vừa làm vừa học. Khi có nhiều người mua hàng thì em quyết đinh tạm nghỉ học và bảo lưu kết quả. Ba mẹ em biết chuyện này đã phản đối kịch liệt và từ mặt em hơn nửa năm. Em không dám ngủ nhiều trong ngày, có lúc em chỉ gục xuống bàn may ngủ khoảng 15 phút rồi thức dậy làm tiếp cho kịp đơn hàng. Nhiều hôm chỉ còn 11 nghìn trong túi, không đủ 12 nghìn để mua tô hủ tiếu. Đến bây giờ em vẫn không tin là mình đã vượt qua được giai đoạn đó”, Nhường tâm sự.

Khi số lượng đơn hàng ngày một tăng lên cô bắt đầu thuê người làm phụ. Những khoản lợi nhuận nhỏ, cô đã tích cóp lại và đầu tư vào máy móc. Cứ thế, cô đã dần dần tìm được hướng đi cho mình. Đến nay, từ xưởng sản xuất 10 m2 Nhường đã có một xưởng may ở Biên Hòa với 20 máy may chuyên dụng và các máy móc khác, gần 50 nhân công năng động và tay nghề cao. Sản phẩm của cô không chỉ bán ở các trung tâm thương mại ở trong nước mà còn có nhiều đơn hàng xuất sang các nước Malaysia và Thái Lan. Hiện nay, cô đặt cửa hàng chính tại quận 3, TPHCM. Doanh thu mỗi tháng khoảng 1,6 - 1,7 tỷ đồng/tháng, với số lượng 8.000 - 10.000 sản phẩm.

Chia sẻ về bí quyết khởi nghiệp, Nhường cho biết: “Sản phẩm là yếu tố cốt lõi nhưng không phải là tất cả. Yếu tố quyết định thành công trong khởi nghiệp là ý chí và niềm tin. Em từng gặp rất nhiều thợ may vào xưởng làm việc và mang công thức đó ra ngoài tự mở cửa hàng riêng nhưng họ chỉ mở được vài tháng rồi bỏ ngang”.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video