8X Đắc Lắk tái chế gỗ vụn thành trang sức cho phái đẹp

20/09/2020
Tận dụng những thứ bỏ đi từ các xướng mộc, chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến đã tạo ra những sản phẩm trang sức, đồ trang trí, đồ chơi… có tính ứng dụng cao, góp phần bảo vệ môi trường.
Chiếc hoa tai được làm từ gỗ vụn tại xưởng VietArt

Dự án "Tái chế gỗ vụn thành sản phẩm mang tính ứng dụng và thẩm mỹ" của Xưởng sản xuất VietArt, do chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến (tỉnh Đắk Lắk) là đại diện đã được chọn vào vòng dự thi cấp vùng Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo – kết nối thành công" năm 2020.

Tạo việc làm cho người khuyết tật

Đầu năm 2018, cô gái 8x Hoàng Thị Mỹ Tuyến quyết định rời TP. HCM về quê lập nghiệp bằng việc làm đồ trang trí cho các nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn. Trong một lần chị Tuyến nhận được đơn đặt hàng làm ly nến có lọng hình trái tim. Sản phẩm này đòi hỏi sự khéo léo và giúp sức của một số người mới có thể hoàn thành đúng thời gian. Chị Tuyến tìm đến gia đình có hai anh em bị câm điếc bẩm sinh biết làm tranh gỗ tại địa phương để nhờ giúp đỡ. Vào đến nơi, chị thấy tranh gỗ do hai anh em làm rất công phu nhưng hầu như không bán được hoặc bán với giá rất rẻ nên không có thu nhập. Ý tưởng khởi nghiệp từ gỗ tái chế, tạo việc làm cho những thanh niên khuyết tật được hình thành từ đó.

Chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến, founder của Xưởng VietArt, sản xuất đồ dùng, đồ trang sức... từ gỗ vụn tái chế

Để thực hiện ý tưởng của mình, chị Tuyến tìm đọc tài liệu nghiên cứu cách làm, thị trường, xu hướng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ gỗ tái chế ở trong và ngoài nước. Sau đó, chị Tuyến tìm mua vụn gỗ ở các xưởng gỗ, bắt tay thực hiện những sản phẩm trang trí đơn giản như: móc khóa, đồ trang trí dịp Giáng sinh…, với xưởng sản xuất có tên VietArt.

Những ngày đầu, khi chưa có đủ khả năng thuê nhân công, chị Tuyến tự cắt, gọt, hoàn thiện từng sản phẩm. Khi hoàn chỉnh, chị chụp ảnh đăng lên mạng xã hội facebook, đi chào hàng tại một số cửa hàng bán đồ trang trí trên địa bàn và được nhiều người đặt mua.

Chế tạo trang sức và đồ dùng từ gỗ vụn

"Từ nhỏ tôi đã đam mê với việc tận dụng đồ dùng không còn sử dụng nữa để làm đồ trang trí. Đi đến đâu tôi cũng để ý tìm những thứ bỏ đi về tái chế bỏ đi như cành cây, mảnh tre, gỗ vụn… sáng tạo thành những món đồ trang sức như hoa tai, vòng tay…, giúp tôn lên vẻ đẹo của phải nữ". chị Tuyến chia sẻ. VietArt bắt đầu có lượng khách hàng ổn định, chị Tuyến nhận thêm nhân viên là các bạn khuyết tật đến vừa học vừa làm. Để giao tiếp tốt với các bạn khuyết tật, chị mượn sách về giao tiếp hình thể để có thể giao tiếp tốt với những bạn bị khuyết tật.

Các sản phẩm được làm từ gỗ tái chế đẹp mặt, tiện dụng

Năm 2019, khi phong trào chống rác thải nhựa bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, chị Tuyến thiết kế thêm ống hút tre… để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Không chỉ tự thiết kế, VietArt còn thực hiện sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi sản phẩm của VietArt chỉ có giá từ 8.000 – 70.000 đồng, đáp ứng tiêu chí rẻ, bền, đẹp, tiện dụng. Hiện nay, xưởng sản xuất VietArt có các dòng sản phẩm chính là đồ trang sức, đồ gia dụng, đồ chơi, quà tặng từ gỗ và các vật liệu tái chế, không sử dụng hóa chất, an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường. Xưởng đã tạo việc làm ổn định cho 5 thanh niên khuyết tật, người dân tộc thiểu số và 5 phụ nữ làm thêm tại nhà.

Chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến bày tỏ niềm hy vọng xưởng sẽ ngày càng phát triển tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, để tạo thêm được nhiều công ăn, việc làm cho chị em phụ nữ và người khuyết tật, giúp họ ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video