4 năm giả trai mưu thành việc lớn

24/03/2005
Đó là chuyện kể về thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, má Trần Thị Quang Mẫn. Ít ai biết rằng để được đi bộ đội, được thoả chí tung hoành đánh giặc, trả thù bọn cướp nước, trước đây má đã phải vượt qua những định kiến khắt khe của gia đình để nhập ngũ với cái tên Trần Quang Mẫn.

Tại cuộc giao lưu “Phụ nữ cả nước với cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam” nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập QĐNDVN được tổ chức ở TP Cần Thơ, chúng tôi đã được má kể cho nghe 4 năm giả trai và cuộc đời hoạt động của má.

 

"…Khi giả trai, tôi đã phải kiên trì khổ luyện. Từ nói năng, dáng đi đứng, cách giao tiếp sao cho giống đàn ông. Trong khi địa điểm đóng quân thay đổi liên tục, khi ra mặt trận, lúc trong nhà dân, người phụ nữ lại có những ngày đặc biệt, làm sao không bị đồng đội và mọi người xung quanh phát hiện hay nghi ngờ là rất khó.

 

Lại thêm rắc rối khi có một cô gái đem lòng yêu tôi tha thiết. Tôi không dám gạt ngang, mà khéo léo từ chối: Đời anh là chiến sỹ không biết sống chết thế nào, anh không muốn làm khổ em. Rồi đơn vị hành quân, cô gái ấy tựa cửa nhìn theo đầy nước mắt, lúc đó, tôi chưa từng yêu, nhưng nếu là con trai thiệt thì chắc tôi đã cầm lòng không đậu mà hứa hôn với cô ấy. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ cô ấy mà thầm thương phận gái với nhau. Hết chuyện với cô gái nọ, tôi lại mắc vào một ông bố cứ nhất định gả con gái cho… đại đội trưởng Sáu Quang và cô gái ấy cũng rất thương tôi. Tôi cứ phải khéo léo từ chối không để họ buồn.

 

Nhưng rồi, đến năm 1950, tôi đang đóng quân tại Kiên Giang, một chiều cuối đông có anh bộ đội tên NguyễnVăn Bé đến tìm tôi. Lúc đó, tôi đang ăn vận đồ đàn ông, đá cầu với anh em, trông vậy anh ta rất ngỡ ngàng. Hỏi tới, hỏi lui, anh ta mới nói thiệt là tìm tôi để cưới làm vợ theo sự mai mối giữa hai gia đình.

 

Thế là 4 năm giả trai của tôi đến đó đã kết thúc. Chuyện của tôi bị lộ khi anh “tố giác” tôi giả trai đi bộ đội và đề nghị xin làm đám cưới. Tôi giận anh lắm, nhưng nghĩ người ta thương mình thiệt lòng và tìm được người tâm đầu ý hợp với mình không dễ nên tôi đồng ý. Lập gia đình, tôi tập trở lại làm phụ nữ. Chiến tranh thật khắc nghiệt, chúng tôi chỉ ở cùng nhau chưa tới 10 ngày. Tháng 4/1952 anh Bé hy sinh chỉ trước bốn ngày tôi sinh cháu trai đầu lòng Nguyễn Quốc Hưng.Thương anh chưa biết tin vợ sinh con trai và chưa biết mặt con, không thấy được mái tóc tôi nuôi dài và cả giọng nói dịu dàng nữ tính hơn của tôi.

 

Năm 1962, sau 10 nămngày chồng hy sinh, hai má con tôi lại cùng một mặt trận. Quốc Hưng mới 10 tuổi, đã nằng nặc đòi đi bộ đội, tôi thầm mừng bởi con tôi biết nối chí cha, nhưng lo thắt ruột vì nó là nguồn sống và niềm hi vọng của tôi.

 

Vào một buổi chiều cuối năm 1968, tôi vừa đi họp về, trên tay còn cầm hai mảnh vải định may cho con bộ đồ thì nghe tinđứa con trai duy nhất của tôi hy sinh. Năm ấy, con tôi mới 15 tuổi.

 

Năm 1973, đơn vị tôi đóng quân tại Long Mỹ. Một sáng có hai vợ chồng dẫn 4 đứa con còn nhỏ đến xin gặp bộ đội. Khi tiếp xúc, tôi được biết anh chị có 2 con lớn đi bộ đội, nhà rất nghèo, phải tản cư vì chiến tranh, chị đang mang thai gần kề ngày sinh. Nhận được thư báo 2 con trai hy sinh, đau đớn quá, anh chị đi tìm đơn vị để hỏi mộ con. Tôi đang tìm lời an ủi anh chị cho nguôi bớt nỗi buồn thì tiếng còi báo động máy bay giặc đến. Tôi bố trí người đưa anh chị và các cháu xuống hầm trú ẩn.Máy bay giặc oanh kích ngay nơi chúng tôi đang đóng quân. Khi ngớt tiếng bom, tôi chạy đến công sự của anh chị thì trời ơi! tất cả không còn ai sống sót. Bất chợt, tôi nhìn thấy bụng chị Năm Sương vẫn đang máy mạnh. Một ý nghĩ táo bạo chợt loé lên, và không còn sự lựa chọn nào khác, tôi đã quyết định mổ bụng người mẹ để cứu cháu bé. Cháu bé đã được cứu sống,tôi đặt tên cháu là Ngọc Hân và nuôi cháu với tất cả tình yêu của một người mẹ. Khi đất nước thống nhất, tôi sống với con gái Ngọc Hân và hai cháu ngoại, gần đây tôi đón thêm từ một ngôi chùa em gái 10 tuổi, từng đi lang thang kiếm sống".

Xuân Hải - (lược ghi theo lời kể của má Mẫn)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video