20 năm chở chữ qua sông

22/04/2005
Hơn 7.300 ngày qua, không kể thời tiết nắng, mưa, sớm, tối với con đò, cụ Sáng đã chở biết bao lứa học trò qua dòng sông Thị Đội đến trường, đến với cái chữ thân yêu. Dòng thời gian cứ cuồn cuộn trôi, xô con người ta tiến về phía trước, chỉ mình cụ với con đò và lòng nhiệt huyết vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Nhiều người ở địa phương gọi cụ là “người chở chữ vượt sông”.

Cụ bà Thái Thị Sáng ở xã Đông Thuận, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ năm nay đã ngoài 70 tuổi. Lẽ ra đó là tuổi phải nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, vui vầy cùng con cháu, vậy mà cụ vẫn ngày ngày lặng lẽ, cần mẫn cùng với con đò đưa đón các học sinh và thầy, cô giáo qua sông không thu tiền. Cụ Thái Thị Sáng bắt đầu công việc chở đò từ năm 1984 với lý do rất đơn giản: “Hồi đó, tình cờ thấy mấy đứa nhỏ chỉ vì không qua sông đến trường, đành bỏ học, lang thang đi chơi. Không đành lòng nhìn cảnh đó, sẵn có đò, tui gọi chúng chở qua sông, tới trường”. Từ đó, công việc chèo đò cho học sinh và thầy, cô giáo ở xã Đông Thuận này như một thứ duyên nợ với cụ lúc nào không hay.

 

Chở chúng riết thành quen, không đứa nào cụ không biết mặt biết tên, nhiều đứa cụ còn biết tên cả cha mẹ chúng. Ngày nào không thấy trẻ nhỏ đi học là cụ nhớ da diết. Nhờ con đò của cụ, thầy cô giáo, học sinh ở đây đi lại đỡ vất vả hơn, rút ngắn được đoạn đường hơn 6 cây số tớitrường.Ban đầu có một số người ác miệng bảo cụ “ăn cơm nhà, vác ngà voi, tự dưng tốn thời gian, công sức làm không công”. Khi đó cụ chỉ cười độ lượng nói: “Tụi nhỏ như con cháu mình, giúp được chúng là tôi thấy vui rồi, vả lại nếu thu tiền, chúng lấy đâu tiền đóng, toàn gia đình nghèo như mình cả. Nếu chỉ vì không qua được sông mà phải bỏ học, tội cho tụi nhỏ. Ngày trước, vì gia đình tôi nghèo lại đông anh em (9 người), ở mãi miệt Rạch Giá, Kiên Giang nên không được học hành, thiệt thòi lắm! Bây giờ nước nhà độc lập, thống nhất lâu rồi, để tụi nhỏ không biết chữ, thất học sẽ tội cho chúng”.

 

Trước đây, cụ chỉ có chiếc ghe cũ đưa các cháu sang sông. Sau dịp tết Ất Dậu, một nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh biết được việc làm của cụ nên đã xuống tận nơi giúp cụ 5 triệu đồng đóng chiếc ghe mới. Ngày trước chỉ mỗi trường tiểu học nằm bên sông Thị Đội, bây giờ ngành giáo dục đã xây dựng thêm trường phổ thông trung học cơ sở và trường mẫu giáo. Số lượng giáo viên, học sinh qua lại hằng ngày tăng lên, tính trung bình mỗi ngày hàng trăm lượt người, vì vậy công việc của cụ Sáng càng bận rộn, vất vả hơn. Người con trai út của cụ thấy mẹ vất vả, thi thoảng cũng giúp chèo xuồng chở thầy cô giáo, học sinh qua sông. Cách đây vài năm, một số tổ chức từ thiện ở TP Hồ Chí Minh đã tới thăm cụ và ngỏ ý muốn đóng góp để xây dựng chiếc cầu. Cụ định hiến mảnh đất làm mố cầu nhưng kế hoạch đó đã không thành hiện thực vì cầu bắc qua sông phải bảo đảm độ tĩnh không theo quy định để cho các phương tiện giao thông thủy lưu thông. Nguồn kinh phí xây dựng quá lớn vì thế chiếc cầu vẫn chỉ là ước mơ đối với cụ Sáng và người dân Đông Thuận.

 

Với những đóng góp cho sự nghiệp trồng người, cụ Thái Thị Sáng đã được Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng huy chương “Vì sự nghiệp khuyến học”. Năm 2001, cụ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Khi được hỏi về mong ước của mình, cụ bảo: “Giờ tôi già rồi! chừng nào còn sức khỏe, còn chở đò giúp mọi người, chỉ mong sao làm được cây cầu lên xuống đò để các cháu học sinh và thầy cô giáo khỏi bị vấp ngã!”.

 

Mặt trời buổi trưa chiếu xuống những tia nắng gắt cũng là giờ tan trường. Nhìn theo dáng \cCụ Sáng tất tả khua mái chèo, tôi như bị ám ảnh bởi một ước muốn giản dị, rất đỗi đời thường, về cây cầu lên xuống đò cụ đã nói. Mong sao ước vọng đó của cụ Thái Thị Sáng sớm trở thành hiện thực.
Nguyễn Kiểm - Báo Quân đội nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video