130 nghìn phụ nữ, trẻ em biên giới được hưởng lợi từ Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương

28/12/2020
Là kết quả 3 năm thực hiện Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2028-2020 do Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa báo cáo tại Hội nghị tổng kết sáng 26/12/2020.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao biểu trưng của TW Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ xây dựng Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo biên cương các tỉnh Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, trị giá 1 tỷ đồng

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương” là đợt thi đua đặc biệt do TW Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động nhằm hưởng ứng 70 năm lời kêu gọi thi đua ái quốc của chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội biên phòng, 30 năm ngày Biên phòng toàn dân, 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt nam. Chương trình đã chọn 90 xã đặc biệt khó khăn, trên tuyến biên giới của 26 tỉnh biên giới đất liền và hảo đảo để cùng chung tay, chăm lo, hỗ trợ, phát huy tinh thần tự lực của người dân và phụ nữ giải quyết những vấn đề bức thiết nhất tại địa bàn biên giới; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia cho hội viên, phụ nữ và nhân dân cả nước.

Qua gần 3 năm triển khai, Chương trình đã trở thành điểm tựa, là động lực để phụ nữ và người dân ở vùng biên, tự tin vươn lên trong cuộc sống; là cơ hội để phụ nữ và nhân dân cả nước thể hiện tình cảm, trách nhiệm, hành động chung sức, chung lòng xây dựng biên cương. Mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với Nhân dân, giữa phụ nữ với bộ đội biên phòng thêm bền chặt, thiết thực.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa trình bày báo cáo tổng kết Chương trình tại Hội nghị

Thứ nhất, thông qua chương trình, nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và xã hội về trách nhiệm, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới được nâng lên rõ rệt. Gần 7.300 hội nghị, diễn đàn, hội thảo, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên phụ nữ và người dân; mạng xã hội zalo, facebook, fanpege đã đưa hơn 30.000 tin bài phản ánh kịp thời, sinh động về các hoạt động đồng hành cùng phụ nữ biên cương của các địa phương. Nhiều  sự kiện truyền thông quy mô lớn: Lễ ra quân phát động Chương trình tại Lạng Sơn; chương trình “Xuân đoàn kết, tết biên cương”; “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” có sự chỉ đạo, động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hoạt động của diễn viên Nhã Phương - đại sứ chương trình, trên 32.000 áo nhận diện được phụ nữ cả nước hưởng ứng… đã lan tỏa thông điệp của chương trình “không để ai bị bỏ lại phía sau” đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, mang ý nghĩa nhân văn và trách nhiệm cao cả.

Thứ hai, các công trình, phần việc và nhiều hoạt động đã tập trung chăm lo, tiếp sức hỗ trợ phụ nữ, trẻ em biên giới giải quyết những vấn đề khó khăn, gắn với nhu cầu thiết thân phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ dân, từng địa bàn: 321 mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững như xây dựng mô hình sinh kế, hỗ trợ vốn vay, công cụ sản xuất, 06 triệu con giống gia súc, gia cầm. Một số đơn vị đồng hành đã triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cải tạo cây trộng, vật nuôi, hỗ trợ kết nối, giới thiệu sản phẩm của địa phương; hỗ trợ xây dựng gần 1000 công trình dân sinh: sửa chữa, làm mới các tuyến đường, cầu, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản; công trình nước sạch, vệ sinh; xử lý rác thải; xây dựng gần 700 căn nhà mái ấm tình thương… làm thay đổi diện mạo thôn bản biên giới. Các tỉnh/ thành đồng hành cùng với lực lượng quân y các đồn biên phòng đã tổ chức hàng trăm đợt khám chữa bệnh tại các xã biên cương, thăm khám phân loại sức khoẻ cho hơn 30.000 cháu, khám chữa bệnh miễn phí cho hàng ngàn  phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi; tặng hàng ngàn suất quà cho hội viên, phụ nữ khó khăn, 4000 suất học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó; Từ năm 2018 đến nay, chương trình đã tiếp sức giúp 9 xã về đích nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo đời sống, cơ sở vật chất địa bàn biên giới.

Đồng chí Hà Thị Nga tặng Bằng khen của Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam cho các đơn vị Biên phòng có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 

Thứ ba, chương trình đã củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức hội góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Một trong những mục tiêu đặt ra của chương trình là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội vùng biên. Các cấp hội đã phối hợp với cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ hội, chi hội trưởng qua cách làm “cầm tay, chỉ việc”; xác định các giải pháp để thực hiện thành công chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác hội từng địa bàn; cải tiến nội dung, hình thức sinh hoạt, hướng hoạt động đáp ứng các nhu cầu thiết thân của phụ nữ, làm mới nội dung, hình thức sinh hoạt để thu hút hội viên tham gia; sử dụng hiệu quả trang thiết bị, tủ sách mà các đơn vị đồng hành trao tặng. Hội phụ nữ các cấp thường xuyên hỗ trợ, chăm lo cho các tổ, chốt trạm phòng chống dịch covid của các đồn biên phòng; cung cấp nhiều thông thông tin giá trị, giúp lực lượng biên phòng phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc ở khu vực biên giới, trong đó có 141vụ/96 đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em, giải cứu được 215 người. Chất lượng các mô hình, tổ phụ nữ tham gia tự quản đường biên, cột mốc và ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ và người dân dân tăng rõ rệt thực sự là tai mắt cùng bộ đội biên phòng xây dựng biên giới bình yên.

Trước khi thực hiện chương trình, có 21/110 xã có tỷ lệ thu hút hội viên dưới 50%, sau 3 năm thực hiện, không còn xã nào tỷ lệ tập hợp dưới mức quy định, 100% cán bộ Hội được tập huấn nâng cao năng lực; hầu hết các xã đều được trang bị và sử dụng tốt máy vi tính, tủ sách pháp luật; đạt và vượt mức các chỉ tiêu đề ra và ước tính 130 nghìn phụ nữ và trẻ em biên giới được thụ hưởng lợi ích của chương trình.

Thứ tư, chương trình tạo ra sự lan toả sâu rộng trong xã hội và hệ thống chính trị, nhiều cách làm sáng tạo vận động nguồn lực xã hội được triển khai: cấp uỷ Đảng, chính quyền, các Ban, ngành đoàn thể các cấp đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp vận động các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng tham gia nhận đỡ đầu/hỗ trợ xã biên giới khó khăn với nhiều cách làm sáng tạo. Nhiều tỉnh có tuyến biên giới đã nhân rộng cách làm của chương trình để vận động nội lực địa phương, đồng hành tại chỗ: như Thanh Hoá, Đăk Lăk, Tây Ninh, Đồng Tháp, Sơn La…Vì vậy, sau khi phát động, số xã được nhận giúp đỡ nâng lên 155 xã (vượt 65 xã theo kế hoạch ban đầu).

Lãnh đạo Bội đội Biên phòng trao Bằng khen cho các tập thể Hội LHPN đóng góp xuất sắc trong thực hiện Chương trình

TW Hội phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin nhân đạo 1400 mở 02 đợt vận động cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ và cộng đồng nhắn tin; lồng ghép nguồn lực của hai ngành vào các địa chỉ/ hoạt động đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã không kể ngày đêm, nắng mưa bỏ công, giúp sức để các công trình, phần việc, mái ấm được triển khai đúng địa chỉ, thời gian và giảm các chi phí thi công cao nhất. Nhiều địa phương tham mưu cấp uỷ ban hành văn bản, chỉ đạo; lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án, đề án của địa phương. Theo bước đồng hành, các doanh nghiệp, các chức sắc, chức việc tôn giáo, các mạnh thường quân … dã đặt chân tới ác địa bàn biên giới khó khăn nhất để thấu hiểu và chia sẻ cùng phụ nữ và nhân dân. Với sự nỗ lực của hai ngành, cùng sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, sau 3 năm triển khai chương trình, tổng nguồn lực huy động hỗ trợ các xã biên giới khó khăn hơn 150 tỷ đồng.

Bên cạnh nhiều kết quả thu được, Chương trình có một số khó khăn, hạn chế. Công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa phong phú. Công tác phối hợp ở một số cấp, một số địa phương còn hình thức, mới chủ yếu tập trung vào các hoạt động thăm hỏi, tặng quà chưa hướng đến mục tiêu lâu dài là thay đổi nhận thức, cách làm, tạo sinh kế bền vững. Công tác kiểm tra, đôn đốc, nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt của một số địa phương chưa thường xuyên, kịp thời…

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, Trung tướng Đỗ Danh Vượng- Chính ủy Bội đội BP cùng đại diện các ban, ngành, lãnh đạo TW Hội chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự hội nghị

Để đẩy mạnh chương trình Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương giai đoạn tới, từ kinh nghiệm tổ chức, triển khai thời gian qua, cho thấy:

Trước hết, cần tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa trong mỗi người dân và cán bộ hội viên phụ nữ; bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia gắn với nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành là cơ sở cho việc xác định trọng tâm, ưu tiên và các giải pháp thực hiện chương trình.

Hai là, gắn Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương với các phong trào thi đua yêu nước của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, làm sâu sắc và hiệu quả hơn nữa mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quân đội và Nhân dân, giữa bộ đội Biên phòng và Hội liên hiệp phụ nữ các cấp góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Ba là, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp Hội và Bộ đội biên phòng trong công tác tham mưu, phối hợp, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả.

Bốn là, khai thác tiềm năng, lợi thế bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, phát huy tinh thần chủ động, nỗ lực vươn lên tự giải quyết những vấn đề của bản thân, của phụ nữ và người dân, lấy nhu cầu, lợi ích, hoàn cảnh, điều kiện của phụ nữ và nhân dân biên giới và nhiệm vụ phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương, làm đầu bài để xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, cách làm chương trình đồng hành.

Năm là, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong vận động nguồn lực. Một mặt sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho mục tiêu phát triển, mặt khác tích cực vận động nguồn lực xã hội từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình.

Đề nghị Chính phủ, các bộ ban ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai hiệu quả Luật Biên phòng (2020), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, là căn cứ pháp lý và nguồn lực quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng biên giới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để hai ngành tiếp tục triển khai thành công Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các đại biểu chứng kiến ký kết giữa lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và Bộ đội Biên phòng về phối hợp triển khai Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2021-2025

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đang bước tiếp sang giai đoạn mới. Phóng sự “Hoa bình yên trên dặm dải biên cương”, chuyện kể dọc được Đồng hành cùng phụ nữ biên cương và những kết quả bước đầu là minh chứng sinh động của một hành trình dài gần 20 năm triển khai chương trình phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Sự bình yên của biên cương ngày hôm nay, là thành quả của nhiều thế hệ người Việt, là công sức của hội viên phụ nữ cả nước và bộ đội biên phòng, trong đó có các anh, các chị đang có mặt trong hội trường – những người đã và đang tiếp sức cho đồng hành, những người kiên cường bám trụ, thắp lửa biên cương, xây đắp thành trì làm cho phên dậu đất nước mãi trường tồn.

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video