10 phụ nữ hiện đại quyền lực nhất thế giới

02/10/2008
Họ là những nhà lãnh đạo tài ba, có đóng góp lớn cho sự ổn định, thịnh vượng của đất nước họ cũng như thế giới. Dưới đây là 10 phụ nữ hiện đại quyền lực nhất thế giới do Livescience bình chọn.

 1. Nữ hoàng Elizabeth II

 

Elizabeth II là Nữ hoàng của 16 quốc gia độc lập thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh suốt 56 năm qua và hiện vẫn đang giữ chức vụ này. Không một nữ nguyên thủ quốc gia nào có thể sánh kịp kỷ lục trị vì của bà. Nữ hoàng hiện đang là một trong những quân vương trị vì lâu nhất thế giới. Hơn 50 năm qua, Nữ hoàng Elizabeth II đã chứng kiến 10 đời thủ tướng Anh và nhiều thủ tướng các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung. Cho tới tận thời gian gần đây khi bước sang tuổi 82, bà mới giảm bớt các chuyến công du nước ngoài.

 

2. Indira Gandhi

 

Tổng thống Mỹ Nixon từng gọi Indira Gandhi là “phù thuỷ già” nhưng bà là thủ tướng tướng Ấn Độ từ năm 1966-1977 và lần thứ hai từ năm 1980-1984. Bà Gandhi bị ám sát bởi chính vệ sĩ của bà năm 1984. Là con gái của thủ tướng đầu tiên, Jawaharlal Nehru, Indira Gandhi là một trong những chính khách nổi bật nhất sau khi Ấn Độ giành độc lập. Tiếp nối truyền thống gia đình, con trai bà Gandhi là Rajiv Gandhi cũng đã trở thành thủ tướng Ấn Độ nhưng cũng bị ám sát năm 1991.

 

3. Margaret Thatcher

Margaret Thatcher là một chính khách, luật sư và nhà hóa học người Anh. Bà là lãnh tụ đảng Bảo thủ Anh từ năm 1975-1990, Thủ tướng Anh từ năm 1979-1990 và là người phụ nữ duy nhất đến nay giữ hai chức vụ đó. Nhiệm kỳ thủ tướng của bà cũng là dài nhất trong lịch sử Anh kể từ năm 1827. Là một chính khách quan trọng trong lịch sử đương đại Anh, bà Thatcher được nhiều người ngưỡng mộ và là một trong 100 người Anh vĩ đại nhất của mọi thời đại.

 

4. Golda Meir

Phải mất 20 năm, Israel mới bỏ phiếu bầu nên một nữ thủ tướng đầu tiên, bà Golda Meir. Bà Meir sinh ra tại Kiev, Ukraine nhưng lớn lên tại bang Wisconsin, Mỹ rồi định cư tại Palestine để đấu tranh vì nhà nước Do Thái mới thành lập sau Thế chiến II. Sau đó bà chuyển tới Tel Aviv, Israel và lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng. Bà Meir trở thành thủ tướng thứ 4 và nữ thủ tướng đầu tiên của Israel vào năm 1969. Bà từ chức năm 1974. Năm 1975, bà được trao “Giải thưởng Israel” vì đã có đóng góp đặc biệt cho nhà nước Do Thái.

 

5. Angela Merkel 

Thủ tướng Đức Angela Merkel hiện là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ Thủ tướng Đức, bà Merkel đã nỗ lực phục hồi kinh tế và làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. 3 năm liên tiếp - 2006, 2007, 2008, bà được xếp ở vị trí số 1 trong bảng xếp hạng 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

 

6. Ellen Johnson-Sirleaf

“Bà đầm thép” của Liberia, Johnson-Sirleaf, trở thành nguyên thủ quốc gia dân bầu đầu tiên ở châu Phi năm 2005 sau khi lãnh đạo một chiến dịch nhằm lật đổ Tổng thống gây nhiều tranh cãi Charles Taylor. Bà Sirleaf có biệt danh “bà đầm thép” vì đã đứng vững sau 2 lần bị bỏ tù và 2 lần phải đi sống lưu vong. Các nhà học giả cho rằng, Liberia cần một nữ lãnh đạo có học thức và tài năng giống như bà Sirleaf để đưa đất nước phát triển.

 

7. Corazon Aquino

Bà Corazon Aquino trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Philippines năm 1986. Năm 1986, ba năm sau khi chồng bà bị ám sát, bà Aquino - một quả phụ và là mẹ của 5 người con, đã lãnh đạo cuộc đấu tranh “Sức mạnh nhân dân” nhằm lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos. Sau đó, bà Aquino đã chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ lịch sử và trở thành vị tổng thống dân cử đầu tiên của Philippines. Dù không có kinh nghiệm chính trị nào trước đó, bà Aquino vẫn tiến hành một loạt các cải cách được người dân ủng hộ và đã vượt qua nhiều khó khăn để điều hành đất nước.

 

8. Benazir Bhutto 

Bà Benazir Bhutto từng hai lần làm thủ tướng Pakistan, 5 năm bị bỏ tù vì tội tham nhũng và cuối cùng là phải đi sống lưu vong ở nước ngoài. Hồi cuối năm ngoái, bà đã trở về Pakistan trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân nước này. Nhưng người phụ nữ trẻ và xinh đẹp này lại chết trong một vụ ám sát vào tháng 12/2007. Các nhà học giả cho rằng, nếu không bị ám sát, bà Bhutto nhiều khả năng sẽ giành lại quyền lực trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008 và tiếp tục nắm quyền ở Pakistan trong một thời gian dài.

 

9. Sirivamo Bandaranaike

Năm 1960, bà Sirivamo Bandaranaike trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Sri Lanka và cũng là nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Bà Bandaranaike, người có chồng bị ám sát năm 1959, được mệnh danh là “quả phụ mít ướt” vì thường xuyên bật khóc trong chiến dịch tranh cử. Bà được nhớ tới vì đã có đóng góp lớn cho đất nước, trong đó có việc đổi tên nước từ Ceylon sang Sri Lanka.

 

 10. Yulia Tymoshenko 

Với vẻ đẹp quyến rũ của một người mẫu và bộ óc của một doanh nhân, bà Yulia Tymoshenko là hình mẫu thành công hoàn hảo cho cuộc Cách mạng Cam của Ukraine năm 2004. Sau sự kiện này, bà Tymoshenko trở thành thủ tướng và là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Mặc dù có những thăng trầm trong sự nghiệp kể từ khi đó, bà Tymoshenko đã một lần nữa trở thành thủ tướng và là ứng cử viên tiềm năng cho chức tổng thống năm 2010./.

Theo Dân trí

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video