“Vai trò kép” của phụ nữ trong giáo dục

22/10/2015
Vào thời nhà Mạc, có một người phụ nữ đã cải trang thành nam nhi để được dự thi và đỗ tiến sĩ, sau đó được mời vào cung để dạy các phi tần. Sau khi nhà Mạc suy vong, bà tiếp tục được nhà Lê trọng dụng, phong chức Cung Trung Giáo Tập. Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Duệ. Thế nhưng, cho đến nay, danh tính của bà vẫn chưa được xác định rõ. Ghi chép về bà trong sử sách thiếu thống nhất và những trước tác của bà còn lưu lại cho đến nay rất ít ỏi.

Vào thời Minh Mạng, một người phụ nữ tài hoa, đoan trang, nổi tiếng văn chương được triều đình nhà Nguyễn mời vào kinh đô để dạy học cho các công chúa và cung phi và cũng được phong chức Cung Trung Giáo Tập. Tuy được kính nể và trọng đãi nhưng bà vẫn nặng lòng với cố quốc, khôn nguôi nhớ đất Thăng Long. Bà chính là tác giả của những bài thơ được coi là tuyệt tác của văn chương cổ điển Việt Nam: “Thăng Long hoài cổ”, “Qua đèo ngang”, “Chiều hôm nhớ nhà”, Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Hinh. Tuy nhiên, người ta gần như không nhớ tên thật của bà, mà thường gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan, cái tên hé lộ rằng, dù tài giỏi bao nhiêu, bà cũng chỉ là cái bóng của người chồng.

Lật giở các trang sử kí Việt Nam, có thể thấy hình bóng của phụ nữ trong suốt thời trung đại nói chung rất mờ nhạt. Hầu hết phụ nữ thời bấy giờ không được đi học hoặc có học cũng không có quyền thi cử hoặc giả nếu muốn thi cử thì phải cải trang thành nam nhi. Khi đã đỗ đạt và được giao những trọng trách trong giáo dục của một vương triều thì họ cũng ít khi được các sử gia chính thống quan tâm. Thứ nữa, dường như chỉ trong những thời điểm tao loạn, nhiều biến động, họ mới được phép dè dặt đặt chân vào lĩnh vực giáo dục - vốn được coi là lãnh địa đặc quyền của các bậc hiền nhân quân tử. Câu chuyện về công lao của họ, sự thông minh xuất chúng của họ phần lớn được lưu truyền trong các giai thoại chốn dân gian. Giáo dục được coi là mảnh đất thiêng và vùng cấm địa đối với nữ nhi thường tình.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, cùng với chính sách giáo dục thuộc địa của Pháp, các trường học dành riêng cho nữ giới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, tuy nhiên, cũng khá ít ỏi. Theo tác giả Đặng Thị Vân Chi, cho đến năm 1886, ở Nam Kỳ có 7 trường với 922 học sinh nữ, ở Bắc Kỳ chỉ có 4 trường tiểu học. Tỉ lệ nữ sinh thấp hơn nhiều so với nam sinh. Năm 1941-1942 chỉ có 13% học sinh trong các trường là nữ.

Sau năm 1945, có đến 95% dân số trong tình trạng mù chữ, phần lớn trong số đó là phụ nữ và trẻ em gái. Dưới tác động của phong trào bình dân học vụ, tỉ lệ mù chữ đã giảm. Tuy nhiên, trong suốt thời gian chiến tranh, bởi trách nhiệm chính của phụ nữ là “đảm việc nước giỏi việc nhà”, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, cho nên nhìn chung, phụ nữ ít có cơ hội học hành. Trong vòng 30 năm, sử sách đã lưu danh rất nhiều nữ anh hùng liệt sĩ nhưng lại có rất ít các nhà khoa học nữ, các nhà giáo dục nữ.

Từ sau 1975 đến nay, ta có thể nhận thấy sự thay đổi một cách ngoạn mục địa vị của người phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục. Từ một vị trí lẻ, phụ, từ thân phận thiểu số, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong lĩnh vực giáo dục. Bước ngoặt quan trọng đầu tiên trong cuộc cách mạng này là sự kiện vào năm 1976, lần đầu tiên, một người phụ nữ được nắm giữ chức vụ quan trọng bậc nhất trong ngành giáo dục: Bà Nguyễn Thị Bình đã trở thành Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của nước ta kể từ khi thống nhất đất nước và bà đã giữ cương vị này trong hơn 10 năm (từ 1976 đến 1987). Kể từ đó, phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội học tập và phát huy thế mạnh của mình trong lĩnh vực giáo dục. Thậm chí, hiện tại, giáo dục được coi là lĩnh vực phù hợp nhất với nữ giới. Trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm, sinh viên nữ chiếm số lượng áp đảo. Nhiều nhà khoa học nữ đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp khoa học và giáo dục của đất nước như Giáo sư - tiến sĩ Võ Hồng Anh, Giáo sư Đặng Thanh Lê, Giáo sư - tiến sĩ Hoàng Xuân Sính…

Không chỉ dấn thân và đóng góp cho sự nghiệp của ngành giáo dục, phụ nữ còn giữ vai trò “nhạc trưởng” trong giáo dục con cái ở mỗi gia đình. Quan niệm truyền thống của người Việt “phúc đức tại mẫu” chắc chắn vẫn có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hiện đại. Song, nếu như trong những thế kỷ trước, việc nuôi dạy con cái vẫn được coi là câu chuyện “bếp núc” bó hẹp trong mỗi gia đình thì ngày nay, giáo dục con đã trở thành những vấn đề xã hội, có sức ảnh hưởng và lan tỏa rất lớn trong cộng đồng.

Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, sự bùng nổ của internet đã tạo nên một thế hệ phụ nữ mới - các bà mẹ 8X. Khả năng kết nối vô cùng mạnh mẽ của các mạng xã hội, các diễn đàn…đã khiến cho các bà mẹ 8X không còn đơn độc trong hành trình giáo dục con cái. Làn sóng tìm tòi, cập nhật tri thức về giáo dục, chia sẻ các biện pháp nuôi dạy con cái thậm chí có lúc đã bùng phát thành những trào lưu: Nuôi con bằng sữa mẹ, nuôi con theo kiểu Nhật, homeschool..Thậm chí, các trào lưu này mạnh đến mức, các bà mẹ 8X đã trở thành những phụ nữ đầy quyền lực khi họ có khả năng tạo nên những làn sóng mới trong truyền thông, thậm chí có ảnh hưởng nhất định tới các thương hiệu. Internet quả thực đã trở thành phương tiện cất tiếng và nhân tố kết nối của “những bà mẹ bỉm sữa”- những bà mẹ khao khát hoàn thiện bản thân và mong đợi một tương lai tốt đẹp nhất cho con cái họ.

Từ địa vị của những người vô danh và không có tiếng nói trong lịch sử, từ không gian nội trợ khép kín trong mỗi ngôi nhà, người phụ nữ ngày nay có nhiều cơ hội hơn để phát triển bản thân cũng như có một không gian rộng mở hơn để cất tiếng nói. Giáo dục giờ đây không chỉ là cấm địa của các đấng tu mi nam tử mà là không gian để người phụ nữ có thể phát huy thế mạnh của mình.

Với bản năng của người làm mẹ, những người phụ nữ làm giáo dục chắc chắn sẽ truyền được cảm hứng, lòng yêu thương và khát vọng của các bà mẹ cho thế hệ tương lai.

Năm học 2013-2014, số học sinh, sinh viên nữ/ tổng số học sinh, sinh viên ở các cấp học và trình độ đào tạo như sau:

+Mầm non: 1.980.343/4.227.047 (46,8%);

+Giáo dục phổ thông: 7.429.811/14.900.686 (49,9%);

+Trung cấp chuyên nghiệp: 239.200/421.705 (56,7%);

+Cao đẳng: 334.924/599.802 (55,8%);

+Đại học: 707.748/1.461.839 (48,4%).

Năm học 2013 – 2014, có thêm 11.498 phụ nữ thoát mù chữ, trong đó có 7.766 là nữ dân tộc thiểu số (DTTS); 7.119 phụ nữ tham gia chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (trong đó có 4.146 là phụ nữ DTTS).

(Nguồn: Bộ Giáo dục & Đào tạo)


Đến nay, tỉ lệ nữ được đào tạo sau đại học ở các cấp học và trình độ đào tạo ngày càng cao.

Ở khối các trường ĐH: Số nữ tiến sỹ là 2.671/9.467 (chiềm 28,2%), nữ thạc sỹ là 16.016/34.283 (chiếm 46.7%)

Khối các trường cao đẳng: Nữ tiến sỹ là 167/608 (chiếm 27%), nữ thạc sỹ là 4.817/10.024 (chiếm 48%)

Khối các trường Trung cấp Chuyên nghiệp: Số nữ tiến sỹ là 38/196 (chiếm 19,4%), nữ thạc sỹ là 987/2.475 (chiếm 39,9%).

Khối các trường THPT: Số nữ tiến sỹ là 97/193 (chiếm 50%), nữ thạc sỹ là 9.492/15.339 (chiếm 61,9%)

Khối THCS: Số nữ tiến sỹ là 16/23 (chiếm 69,6%) và nữ thạc sỹ là 2.964/4.312 (chiếm 68,7%).

Khối các trường Tiểu học: Nữ tiến sỹ là 61/68 chiếm (89,7%) và thạc sỹ là 374/460 (chiếm 81,3%).

Tỉ lệ lao động nữ trong ngành giáo dục cao, đặc biệt ở các cấp học thấp, tỷ lệ cán bộ, giáo viên nữ càng cao. Cụ thể, có 898.847 nữ/1.213.935 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục (chiếm 74%).

Theo: Báo PNVN (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video