"Siêu lợi nhuận đen": Vũ khí, ma túy, và..."buôn người"

14/06/2008
Ngay cả vào thời kỳ cực điểm của hoạt động di cư thì Moldavia vẫn là một trường hợp khác thường. Trong số bốn triệu người dân đất nước này, hơn 600.000 người đang làm việc bên ngoài đất nước – nghĩa là hơn 1/4 số người đang tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế. Tiền kiều hối ước tính chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc dân. Những tỷ lệ này thuộc dạng cao nhất thế giới, và nguyên nhân chủ yếu chính là bởi nền kinh tế.

 Moldavia được biết tới nhờ sự đóng góp cho nông nghiệp và một số lượng các nhà máy, chủ yếu là nhà máy quân sự. Khi giành được độc lập, vào năm 1991, các nhà máy đóng cửa và một khu vực của đất nước này, là vùng Transnistria, ở phía đông Sông Dniepster, đã tách riêng ra. Transnistria là vùng có mức độ công nghiệp hóa cao nhất của Moldavia, và cũng là vùng có mức độ Nga hóa cao nhất. Matxcơva đã can thiệp để ngăn chặn một cuộc nội chiến về vấn đề tiếp quản quyền lực, và kể từ năm 1992 quân đội Nga đã giám sát một “cuộc xung đột đóng băng” khiến Transnistria ở vào tình thế cô lập, không được thừa nhận bởi bất kỳ quốc gia nào, và Moldavia đã để riêng nơi này ra.


Tính đến giữa thập niên 90 thế kỷ XX, Moldavia là nước nghèo nhất châu Âu. (Kosovo ngay sau đó thay thế vào vị trí này). Thu nhập bình quân đầu người chỉ gần ngang Sudan. Một bác sĩ kiếm được 200 đôla mỗi tháng. Nạn tham nhũng tràn lan. Một trong số ít ngành công nghiệp địa phương có sự tăng trưởng là những công ty lữ hành – những công ty mà hứa hẹn đưa người ra nước ngoài, bằng con đường hợp pháp hay bất hợp pháp, thường với những khoản phí rất nặng. Đây là những điều kiện lý tưởng cho hoạt động buôn người bất hợp pháp.


Trăm nghe không bằng một thấy


Ngày nay rất ít người ở Moldavia có thể nói rằng họ không được khuyến cáo. Các chiến dịch được đài thọ trên phạm vi quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về những mối nguy cơ bị biến thành nạn nhân của hoạt động buôn người đã thành công, theo những cuộc thăm dò ý kiến, thông tin đã đến được với hầu như mọi người dân Moldavia.


Stella Rotaru và các đồng sự của bà đi vận động khắp đất nước, dán các số điện thoại nóng và tổ chức các buổi hòa nhạc vận động khắp các làng. Tổ chức di cư quốc tế (IOM) đã chiếu phim “Lilya 4-Ever” tại các trường trung học trên khắp Moldavia, bộ phim được sản xuất năm 2002 nói về việc buôn bán một cô gái trẻ từ một vùng đất khô cằn sang làm gái mại dâm ở Thụy Điển, . Dựa theo câu chuyện có thật và kết thúc bằng hành động tự tử của cô gái, bộ phim cũng được chiếu trên truyền hình quốc gia.


Tuy nhiên, tác động phản tuyên truyền – những hình ảnh truyền thông hấp dẫn về đời sống ở nước ngoài, kể cả những bằng chứng khắc nghiệt về sự giàu có có được ở nơi đó nữa – luôn luôn có tác động mạnh hơn.


Tiền kiều hối của những người di cư có thể được gửi qua các văn phòng của Western Union mọc khắp nơi ở đất nước này, được Ngân hàng thế giới ước tính đạt khoảng hơn một tỷ đôla

hàng năm, tạo ra một lối tiêu dùng mà, theo tiêu chuẩn địa phương, rất “đáng giật mình”. Người hàng xóm của ta đột nhiên mua một chiếc xe hơi, một ngôi nhà lớn, ăn ngon hơn, quần áo đẹp hơn. Động lực hấp dẫn di cư đặc biệt mạnh đối với những người trẻ tuổi, và đối với cả những bậc cha mẹ đang phải vật lộn để nuôi nấng con cái.


Ngay cả những người thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất – những phụ nữ trẻ nghèo – cũng thường coi việc buôn người như điều gì đó xảy ra với ai đó, chứ không phải với họ. Trong những cuộc khảo sát, phần lớn người Moldavia nói rằng họ không biết bất kỳ ai là nạn nhân của hoạt động buôn người. Sở dĩ như vậy có thể một phần là do những phụ nữ thường giấu giếm sự trải nghiệm này, ngay cả với gia đình của chính mình. (Cả những nam giới, những người cũng trở thành nạn nhân của hoạt động buôn người, chủ yếu để đưa vào làm những công việc xây dựng và nông trại tại Nga và Ucraina, cũng rất xấu hổ khi phải thừa nhận rằng việc di cư của họ là một sự tước đoạt trắng trợn).


Và hầu hết những người ra nước ngoài thực ra cũng đến được cái nơi mà họ trả tiền để đến, và tìm được việc làm, dù tốt dù xấu. Theo một ước tính, được IOM chấp nhận, khoảng 1-2% số người Moldavia có thể tình cờ nhận thấy mình là nạn nhân của hoạt động buôn người vào một thời điểm nào đó.


Cùng với cái nghèo đói cùng cực và một gia đình không hạnh phúc – những điều kiện cần và đủ - thì “nguồn” nạn nhân của hoạt động buôn người ra khỏi Moldavia có thể không bao giờ cạn.


Phản bội


Theo Liên Hợp Quốc, hoạt động buôn người đứng thứ ba về hoạt động tội phạm sinh lợi nhiều nhất trên thế giới, sau buôn vũ khí và ma túy. Lợi nhuận hàng năm được đoán chừng đạt hàng chục tỷ đôla. Trên quy mô này, buôn người đòi hỏi phải có các mạng lưới xuyên quốc gia rộng lớn. Nhưng nhiều trong số tay đánh lẻ, đặc biệt là ở khâu lôi kéo người, là những kẻ nghiệp dư, kẻ cơ hội và thậm chí là các nạn nhân trước kia.


Một tên trùm mafia ở Kiev có thể sống nhờ việc bớt xén những khoản thu được từ việc bóc lột bạn, nhưng địa ngục của bạn rất có thể được bắt đầu, nếu bạn là người Moldavia, với sự phản bội của một người bạn hay một người họ hàng muốn kiếm một khoản hoa hồng. Bạn thậm chí có thể bị người thân bán vào nhà chứa.


“Tôi muốn có tiền, và tôi đã bị lừa”, Lena nói. (Một số tên trong bài này đã được thay đổi). Cô đến từ một ngôi làng ở miền Bắc Moldavia. Cô có đôi lông mày cao, mỏng và một khuôn mặt phờ phạc. “Năm đó tôi 19 tuổi. Bạn trai tôi nói là tôi có thể trở thành một bồi bàn ở Bồ Đào Nha. Chúng tôi đã ăn nằm với nhau được một năm rưỡi gì đó”. Bạn trai cô ấy đã tổ chức chuyến đi cho cô , trả tiền vé máy bay, chở cô đến Odessa, và đưa cô ấy lên máy bay đi Lisbon. Một người bạn của anh ta đón cô và nói rằng công việc làm bồi bàn đã đổ bể. Anh ta đề nghị đưa Lena tới Dubai, nơi mà theo anh ta là có nhiều công việc tốt hơn. Anh ta trông rất đáng tin cậy, và họ đã bay cùng nhau tới đó. Một người Ảrập đón họ ở Dubai, và ngày hôm sau một phụ nữ đến từ Uzbekistan đưa cô đến một căn hộ.


Lena nói với tôi: “Đó là khi tôi nhận ra mình đã bị bán. Bởi vì bà ấy đưa tiền cho gã người Ảrập, và hộ chiếu của tôi đã bị lấy đi”.


Trước đó đã có sáu phụ nữ Moldavia ở chỗ người đàn bà Uzbekistan. Họ nói họ đang làm việc tại các nhà chứa trong các vũ trường, tất cả bọn họ đang phải trả dần những khoản nợ từ tiền đi lại mà “mụ ma cô” quả quyết rằng họ nợ mụ ta. Khách hàng của họ chủ yếu là người Ảrập và người Nga. Lena kể: “Mụ ma cô rất dữ. Mụ ta thường đánh đập những cô gái nào không vâng lời”. Lena cũng không ngoại lệ.


Rốt cuộc cô đã phải sống 5 năm ở Dubai, lê la khắp hè phố, ra tù vào tội. Sau khi đào thoát cùng với hai phụ nữ khác, Lena đến gặp cảnh sát, và họ đã bắt giữ cô vì không có giấy tờ tùy thân. Người phụ nữ Uzbekistan từ chối trả lại hộ chiếu cho những người từng làm cho mình, và tiếp tục công việc hái ra tiền của mình. Lena gọi điện cho mẹ cô từ nhà tù, nhưng không nhận được sự giúp đỡ nào cả. Khi cảnh sát thả cô, sau chừng một tháng trong tù, Lena không có một xu dính túi. Cô trở lại làm công việc gái điếm, giờ là làm tự do. Sau đó, cô yêu một bồi bàn người Ai Cập tên là Salim, đến sinh sống cùng anh ta và từ bỏ công việc mại dâm.


Nhưng sau đó cô lại bị bắt trong một đợt truy quét của cảnh sát vì không có giấy tờ trong người. Lúc đó cô đã có thai được ba tháng. Vấn đề còn tồi tệ hơn nữa khi cảnh sát ghi cô vào sổ như một người Kazachstan, bởi vì một nhóm phụ nữ bị bắt trong đợt truy quét đó là người Kazachstan. Trong thời gian đó, cô sinh con trong tù. Salim không bao giờ đến thăm cô, không bao giờ nhìn thấy mặt con trai mình. Lena không có cách nào liên hệ với anh ta cả, thậm chí là bằng điện thoại. Cô khẽ nói: “Có thể anh ấy sợ cảnh sát”.


Giờ đây cô đang sống với bà nội và con trai vừa lên ba tuổi của mình ở một ngôi làng, và đang kiếm việc làm. Cô vẫn chưa nghe được tin gì từ Salim. Cô nói: “Tôi đã hết hy vọng”. Cô kể rằng mình đã nhận được sự giúp đỡ từ một nhà tâm lý học tại một trung tâm phụ nữ do Mỹ tài trợ.


Cô nghĩ rằng gã bạn trai cũ đã bán cô cho những kẻ buôn người vẫn quanh quẩn đâu đây, nhưng cô không quan tâm đến việc gửi đơn kiện hắn ta. Giờ cô đã 24 tuổi, và có một đứa trẻ để nuôi nấng.


Còn sống sót được là tốt lắm rồi!


Khi những nạn nhân của hoạt động buôn người được gửi hồi hương, thường có một quyết định cần phải được đưa ra về việc liệu có nên buộc những tội danh hình sự chống lại những kẻ đã bóc lột họ hay không. Làm vậy có thể rất nguy hiểm. Nhưng trước hết Rotaru cần biết liệu liệu để cho những phụ nữ này về nhà thậm chí có an toàn hay không?


Cuộc khảo sát của La Strada nhận thấy rằng đại đa số phụ nữ Moldavia bị buôn bán từng là nạn nhân của bạo lực trong nước. Rotaru có thể khuyến nghị rằng, thay vì về nhà, họ nên đến một trung tâm điều trị thường trú ở Chisinau do IOM thiết lập.


Rất ít nạn nhân có ý định sẵn sàng đấu tranh. Theo Rotaru và các đồng sự của bà, nhiều người dường như đã suy kiệt khả năng đấu tranh. Đánh đập, cưỡng hiếp và tra tấn là những thủ đoạn phổ biến mà bọn ma cô dùng để kiểm soát lao động, và, cùng với những lời đe dọa làm hại gia đình, người thân và con cái họ, và thủ vđọan của chúng thường có tác dụng đúng như mong muốn.

Đó có thể là lý do tại sao Rotaru hiểu được nỗi vui mừng đến xót xa của một cô gái trẻ vị thành niên từ một ngôi làng ở miền bắc Moldavia, bị một phụ nữ đã ngỏ lời thu xếp công việc phục vụ quầy bar cho cô ở Barain, nhưng đã bán cô làm gái mại dâm.


Rotaru nhớ lại: “Cô ấy trước đó đã từng làm việc tại một cái chợ ở Ucraina. Cô ấy là một trong số những cô gái nông thôn biết cách tìm đường ra thế giới”. Tại Barain, cô gái này bị buộc phải làm gái mại dâm và sau đó được chở đến Istanbul, nơi cô tình cơ nghe lỏm được câu chuyện của những kẻ đang thương lượng để bán lại cô. Đêm đó, cô đánh thuốc mê tên ma cô và tẩu thoát với số tiền 150 USD. Số tiền này đủ để cô đi phà đến Odessa. Rotaru lái xe xuống Odessa để đón cô.


Cô gái này 17 tuổi, tóc đen, người nhỏ bé. Cô ở một đêm tại trung tâm điều trị Chisinau, nhưng không muốn làm việc với cơ quan thực thi pháp luật. Rotaru nói: “Cô ấy nói với chúng tôi là cô sẽ tự mình đối phó với kẻ đã lừa cô. Cô ấy nói ‘Tôi biết phải tìm bà ta bằng cách nào. Tôi sẽ đánh bà ta’. Đó là một phản ứng khác thường với sự trải nghiệm đau buồn này. Tôi thích cô ấy”.


(Còn nữa)

Thi Thi (Vietimes) dịch từ The New Yorker

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video