"Quyền bú tí mẹ" gắn kết toàn cầu

24/12/2012
Câu chuyện về "Quyền bú tí mẹ" được nêu trong lần "Nghỉ ngơi cuối tuần" cách đây mới nửa năm, vào thời điểm Quốc hội chuẩn bị thông qua việc sửa đổi hai bộ luật Lao Động và Quảng cáo đã đi đến thành tựu là thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ nước ta đã được kéo dài từ 4 lên 6 tháng và các sản phẩm thay thế sữa mẹ không được quảng cáo đối với đối tượng các cháu được nâng từ 12 lên 24 tháng tuổi.

Đó là thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ quyền của trẻ em, quyền của một đối tượng yếu thế vì lẽ đơn giản là các cháu không thể tự mình nói lên được, đòi hỏi người lớn phải lên tiếng vàchính những đứa trẻ sơ sinh hôm nay lại làtương lai rất gần và kế tiếp nhau không bao giờ dứt của mọi quốc gia và của nhân loại. Vì vậy, vấn đề thời gian và chất lượng dinh dưỡng của con trẻ có quyền được bú tí mẹ không chỉ là vấn đề của riêng nước ta.

Một cuộc tập hợp lực lượng của những người đấu tranh cho quyền của trẻ sơ sinh được bú tí mẹ trên toàn cầu vừa được tổ chức tại New Delhi, thủ đô Ấn Độ với sự có mặt của gần 900 đại biểu của hơn tám mươi quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu với một tinh thần "Đến với nhau để cùng tranh đấu" (Come Join The Fight) và với khẩu hiệu "Con trẻ cần những thứ của mẹ sinh ra, không cần đến những gì do con người chế biến ra" (Babies Needs Mom-Made Not Man-Made). Diễn giải một cách đơn giản là trẻ cần sữa mẹ chứ không cần những thứ do các nhà kinh doanh làm ra để thay thế sữa mẹ. Một bàn tay vạm vỡ đập gãy đôi bình bú sữa là hình ảnh biểu tượng cho cuộc tập hợp này.

Chính Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Quyền đối với lương thực- Giáo sư Olivier De Schutter- đã mở đầu bản báo cáo của mình trong buổi khai mạc bằng thông báo về việc Quốc hội Việt Nam trong tháng 6 năm nayliên tiếp- chỉ cách nhau vài ngày- đã thông qua hai nội dung lập pháp liên quan đến thời giannghỉ thai sản và cấm quảng cáo các loại thực phẩm thay thế sữa mẹ. Sự kiện đó là một thông điệp quan trọng của Việt Nam đã thể hiện sự cam kết quốc gia mình đối với bộ văn kiện mang tính pháp lý quốc tế năm 1981 của Hội đồng Y tế thế giới về các sản phẩm thay thế sữa mẹ và các nghị quyết tiếp theo về vấn đề hệ trọng này. Việc làm của Quốc hội Việt Nam còn là một thông điệp tích cực về mối quan tâm toàn cầu đối với mục tiêu cao cả vì tương lai của nhân loại.

Tại diễn đàn này, đại biểu của Kenya đã thông báo rằng sau 21 năm phấn đấu gian khổ, mới cách đây vài ngày, quốc gia Châu Phi này đã thông qua đạo luật liên quan đến việc sử dụng sữa mẹ cho con trẻ và chính kinh nghiệm từ Việt Nam đã là nguồn cổ vũ cho họ. Đảo quốc Fiji chỉ có không đầy một triệu dân, số trẻ sơ sinh tưởng như không đáng kể- chừng hơn 3.000 cháu, nhưng đã có một đạo luật cấm quảng cáo những thứ thay thế sữa mẹ cho các cháu tới 60 tháng- tức 5 tuổi và chế tài xử phạt có thể lên tới 10.000USD hoặc 3 năm tù cho những kẻ vi phạm.

Campuchia hay Lào gần ta cũng là tấm gương đi trước với mức cấm quảng cáo ảnh hưởng đến quyền bú tí mẹ của các cháu đến 24 tháng tuổi... Còn Cuba bị Mỹ cấm vận và có thể chính vì thế mà vẫn giữ được một thực trạng tốt đẹp hơn các nước khác, khi 84% các bà mẹ vẫn nuôi con bằng dòng sữa của mình và mọi thứ thay thế khác đều phải được bác sĩ kê đơn...

Riêng một số nước Bắc Âu như Thuỵ Điển hay Na Uy thì quyền của con trẻ được bảo đảm thông qua điều kiện tạo cho bố mẹ các em. Ở Na Uy, không chỉ phụ nữ sinh đẻ được nghỉ 60 tháng có lương mà bố của đứa trẻ cũng phải nghỉ làm 18 tháng có lương để giúp vợ... cho con bú. Thuỵ Điển cách đây 60 năm chỉ có chừng 17% các bà mẹ trẻ nuôi con bằng sữa của mình, nay đã ngót 80% và hình ảnh bà mẹ nào cho con bú sữa không phải của mình mà bằng vú giả sẽ bị coi là không bình thường v.v...

Riêng Ấn Độ- quốc gia đông thứ hai dân số thế giới, cũng là nước đăng cai cuộc biểu dương lực lượng này- là một trong những quốc gia tiên phong cam kết các quyền cơ bản của trẻ em, trong đó có quyền được bú sữa mẹ.

Đến dự và chủ trì phiên khai mạc có 2 trong số 3 bộ trưởng của chính phủ có trách nhiệm quan tâm đến vấn đề này. Đó là các bộ Ngoại giao, Bộ Phát triển phụ nữ và trẻ em, Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội. Chính ông Bộ trưởng Ngoại giao khi phát biểu đã nêu chuyện: "Có người hỏi vì sao tôi lại có mặt tại đây? Tôi muốn trả lời rằng, vì sự tập hợp của các bạn từ khắp nơi trên thế giới đến Ấn Độ tổ chức sự kiện này mà Chính phủ chúng tôi phải bày tỏ sự cam kết quốc tế về quyền bú sữa mẹ của trẻ em trên toàn thế giới!".

Nhưng đó chỉ là mảng màu sáng luôn được tán thưởng bằng những tràng vỗ tay của cử toạ khi có mỗi thông tin tốt đẹp hay một sáng kiến góp phần vào cuộc phấn đấu vì quyền "bú tí mẹ" của các cháu. Còn một mảng tối rộng lớn bao trùm lên cuộc gặp mặt, đó là nỗi lo lắng trước những nguy cơ ngày trở nên cấp bách trước những con số phản ánh hậu quả của việc trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ. Hằng năm, trên thế giới có chừng 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị chết, trong đó có đến 2/3 chết trước khi đầy tuổi, tức là trong tuổi phải bú tí mẹ. Các căn bệnh dẫn đến cái chết của các cháu là tiêu chảy, nhiễm trùng đối với các cháu dưới 1 tuổi, còn lại 1/3 các cháu đã vượt 1 tuổi đến 5 tuổi chết thường do suy dinh dưỡng.

Nghiên cứu của các nhà chuyên môn cho thấy, nguyên nhân chủ yếu khiến các cháu bị những căn bệnh ấy là do thiếu một nhân tố không gì thay thế được, mà chỉ có trong sữa mẹ tạo nên khả năng đề kháng và thích ứng của cơ thể còn rất non nớt trước những tác động từ bên ngoài. Ai cũng biết rằng khi còn nằm trong bụng mẹ, cơ thể các cháu được hình thành một cách căn bản cho đến khi đủ ngày đủ tháng để chào đời. Nhưng sự hoàn thiện còn tiếp tục kéo dài, mà quan trọng hơn hết, trong năm đầu đời khi đứa trẻ đã không còn nằm trong bụng mẹ, chính nguồn sữa và cả hơi ấm cũng như sự âu yếm của người mẹ đã truyền cho đứa con.

Không có những nhân tố đó, đứa trẻ không được bú sữa mẹ ngay 1 giờ đồng hồ đầu tiên sau khi cất tiếng khóc chào đời và trong suốt 12 tháng đầu sẽ gặp những hậu quả không lường trước được. Thông điệp của hội nghị này còn khẳng định rằng, việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ là sự lựa chọn của người mẹ về phong cách sống mà phải được xem là một yêu cầu bắt buộc về y tế và sức khoẻ. '

Nói cách khác, nếu tiếp cận từ góc độ nhân quyền thì trước hết không chỉ là quyền người mẹ được cho con bú sữa mà chính là quyền của đứa trẻ được bú sữa mẹ. Một người mẹ không có lý do chính đáng mà không cho con bú thì trên thực tế đã vi phạm một quyền thiêng liêng mà đứa trẻ phải được hưởng như một lẽ tự nhiên.

Bản Tuyên ngôn Độc lập có giá trị lịch sử của Hoa Kỳ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này cũng đã nhắc lại khi mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, đã đưa ra nguyên lý "Con người sinh ra có quyền sống, quyền được hưởng và mưu cầu hạnh phúc" thì chính cái "quyền được sống, được hưởng và mưu cầu hạnh phúc" đối với một đứa trẻ mới chào đời chính là "quyền bú tí mẹ" vậy! Như thế, ý niệm về "nhân quyền" mà cả thế giới đang coi là chuẩn mực của văn minh thì "quyền bú tí mẹ" phải được coi là một quyền cơ bản mà không ai có quyền tước đoạt của một con người mới bước vào đời!

Vậy mà trên thực tế nó đã bị tước đoạt, trước hết là do nhận thức của con người. Trong xã hội cổ truyền đã hình thành những quan niệm khác nhau, kinh Koran của những người theo đạo Hồi ghi rõ lời dạy của Đấng Tối cao là các bà mẹ phải biết quý dòng sữa của mình và phải dành nó cho con trẻ; trong một số tộc người ở nước ta cũng có tập quán tốt đẹp như người con gái khi chưa có con để trần bộ ngực của mình, phô bày vẻ đẹp của tuổi thanh xuân, nhưng khi đã có con thì che đậy cặp vú của mình không phải vì sự kín đáo của người trưởng thành, mà quan trọng hơn hết là bảo vệ bầu sữa cho con của mình...

Còn những tập quán của xã hội hiện đại khiến con người lầm tưởng đó là cách thích ứng tốt nhất khi rút ngắn thời gian hay thậm chí không sử dụng sữa mẹ cho con bú. Và lập tức, sự lầm tưởng ấy được các nhà sản xuất sữa khai thác triệt để nhằm giành giật "thị phần" ngay trong bữa ăn của trẻ thơ. Tiềm lực tài chính nhờ làm giàu trên lĩnh vực này một lần nữa lại "tái đầu tư" vào những chiêu thức quảng cáo ngày càng tinh vi nhằm đưa ra nhận thức rằng sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ là một phần văn minh, sáng tạo khoa học giúp giải phóng các bà mẹ khỏi những phiền toái của việc cho con bú và tạo ra những "sản phẩm" của thời đại là những đứa trẻ nhờ sử dụng các loại thức ăn thay thế sữa mẹ mà lớn lên như thổi, chỉ số IQ ngất ngưởng hứa hẹn một tương lai tốt đẹp.

Trên diễn đàn cuộc hội thảo góp mặt tiếng nói của tứ phương cho thấy, gần như ở đâu cũng diễn ra cuộc vận động của các hãng sữa trực tiếp đến các cơ quan chính phủ, quốc hội, khai thác triệt để bộ máy truyền thông và dùng nhiều chiêu thức để tìm sự tiếp tay ngay trong giới y tế và tung người của mình tới tận giường hay tận nhà các sản phụ để "tư vấn" cách nuôi trẻ và đương nhiên không bao giờ quên giới thiệu để bán sản phẩm của mình.

Sức mạnh tiền bạc của các hãng này mạnh đến mức mà đã từng có người đứng đầu tổ chức quốc tế bảo vệ quyền trẻ em, sau khi nghỉ hưu lại đầu quân cố vấn cho các hãng sữa để nhận lương cao bổng hậu. Có biết bao nhiêu quan chức được hưởng lộc dưới nhiều hình thức khác nhau để đưa ra những chính sách có lợi cho các nhà sản xuất sữa.

Tại diễn đàn New Delhi, vị đại diện Bộ Y tế Afghanistan bộc bạch rằng, các quan chức chính phủ không riêng nước của ông luôn phải đối mặt trước sự cám dỗ và các chiêu hối lộ rất tinh vi. Có lần, ông vừa đọc một bài diễn văn cổ vũ mạnh mẽ cho việc các bà mẹ phải nuôi con bằng sữa của mình, thì đã có đại diện một hãng sữa tiếp cận và xin mua bài diễn văn đó. Hỏi để làm gì thì họ nói thẳng rằng để nhắc lại quan điểm của ông trước khi rao bán sữa của mình như là thứ chỉ "bổ sung" chứ không phải "thay thế" sữa mẹ.

Điều đó cũng có nghĩa là các hãng sản xuất sữa ấy là người hỗ trợ cho đường lối của nhà nước chứ không phải là chống lại chủ trương của nhà nước hô hào dùng sữa mẹ. Ta thường thấy trên các "sô" quảng cáo,họ cũng hô hào khuyến khích dùng sữa mẹ bằng một giọng nói lướt nhanh như gió thoảng rồi bằng những lời lẽ hùng biện như sấm rền, họ thuyết phục rằng phải bổ sung ăn thêm sữa của họ bán thì đứa trẻ mới thực là hoàn hảo!

Có rất nhiều ý kiến phát biểu nêu lên việc công nghệ hoá quy trình sản xuất sữa bò với những cánh đồng cỏ không phải là tự nhiên, mà họ sử dụng rất nhiều các chất hoá học, đồng nghĩa với phá huỷ môi trường và việc bắt một con bò bình thường chỉ cho sữa theo quy luật tự nhiên thành cỗ máy vắt sữa quanh năm đến cạn kiệt cũng đáng phải lên án cả trên lĩnh vực môi trường lẫn đạo đức. Việc ngày càng sử dụng quá nhiều các sản phẩm thay thế, các loại sữa công nghiệp cũng như một số loại thức ăn nhanh (fast food) hay các trào lưu lối sống ăn và uống các thức rất thiếu dinh dưỡng và có hại cho sức khoẻ của thanh thiếu niên, được gọi là "juck food", ví như các thức uống mang thương hiệu rất thời thượng, các loại chất bột chế biến như bim bim... Đó chính là nguồn gốc của các căn bệnh gắn với xã hội "hiện đại hoá - công nghiệp hoá" như béo phì, tim mạch, thần kinh, thậm chí cả ung thư trước kia vốn ít thấy ở tuổi trẻ.

Phần lớn các tập đoàn sản xuất các loại sản phẩm này đều gốc gác ở các xứ sở giàu có và phát triển như Châu Âu hay Bắc Mỹ. Ở đó, hàng rào kiểm soát chất lượng ngày càng cao khiến các ông chủ quay sang tấn công vào các thị trường tiềm năng là các nước đang hoặc chậm phát triển để lợi dụng trình độ dân trí còn hạn chế và chế tài pháp lý còn lỏng lẻo. Như ở nước Anh, xuất hiện cuộc vận độngtẩy chay chống các tập đoàn sữa nổi tiếng hàng đầu ở Châu Âu, trước hết vì tính vô nhân đạo của các tập đoàn này khi đầu tưvào Châu Phi đồng nghĩa là đầu độc trẻ em ở châu lục vốn đã nghèo này...

Người ta cũng lưu ý rằng Trung Quốc- nước đông dân nhất thế giới- đến nay lại chưa hề có đạo luật nào giám sát riêng liên quan đến "quyền bú tí mẹ" và tình hình sản xuất các loại sữa bột vô cùng phức tạp và sức thâm nhập của nó vào các quốc gia mà tệ nạn tham nhũng còn hoành hành là vô cùng mạnh mẽ. Vì thế mà nguy cơ đến từ đó cũng thật là đáng sợ, khi mà nước ta "núi liền núi, sông liền sông" và không phải không có những đối tác Việt Nam sẵn sàng tiếp tay vìlợi nhuận quá lớn...

Gặp chúng tôi, các bạn Thái Lan, Brazil, Bangladesh... bày tỏ sự thán phục Việt Nam đã có luật. Nhận lời khen của bạn mà thấy đỏ mặt, không phải vì mừng mà vì lo. Ở nước mình luật pháp làm nhanh, nhưng đi vào đời sống lại rất chậm và dễ bị biến báo. Và đương nhiên, các công ty sữa chắc sẽ không khoanh tay ngồi yên để "quyền bú tí mẹ" phương hại đến lợi ích của họ!

Theo Laodong.com.vn (PH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video