"Nạn buôn người": Những thiên đường ép buộc và chết chóc

14/06/2008
Maria không mang lại cho tôi ấn tượng như một người đang phải đối mặt với nguy cơ bị buôn lại. Một phần là do cơ thể đã kiệt quệ của cô ấy, nhưng chủ yếu vẫn là sức mạnh tinh thần của cô . Giờ đây đã ở độ tuổi ngoài 30, cô có một mái tóc dài màu nâu đỏ, đôi mắt to và trong, và một nụ cười lệch miệng. Cô lớn lên ở một ngôi làng gần Chisinau và bị buôn sang Thổ Nhĩ Kỳ năm 1999. Cô nhớ cái cầu thang dẫn tới căn phòng, nằm ở tầng sáu của một khu chung cư ở Istanbul, nơi mà cô nhận ra mình đã bị bán vào nhà chứa. Maria nhìn ra cửa sổ. Những bức rèm ở đó rung lên sau mỗi cơn gió nhẹ. Cô tiến tới cửa sổ, lách vào giữa hai tấm rèm, và nhảy xuống. Khi chạm đất, cô gẫy cả hai chân, hai tay.

Điều gì đã đưa đẩy cô đến Thổ Nhĩ Kỳ? Cô đã từng là một cô dâu tuổi teen, “bị đánh cắp” bởi một gã trai mà cô chỉ vừa mới quen. Cô nói: “Tôi đã cố gắng chạy trốn, nhưng tất cả đám bạn của anh ta đã ngăn tôi. Nếu một gã trai đánh cắp bạn theo cách này mà bạn không cưới anh ta, thì đó là điều sỉ nhục lớn đối với gia đình bạn và bạn”. Cha mẹ cô, vốn là những người nông dân, đã đồng ý cho họ cưới nhau.

Cuộc hôn nhân này là một thảm họa. Maria sinh con ở tuổi 18, nhưng chồng cô suốt ngày uống rượu, đánh đập cô và không kiếm nổi một công việc. "Điều hạnh phúc duy nhất của tôi có liên quan đến anh ta chính là con gái tôi. Nếu không có nó, tôi đã căm ghét anh ta”. Mẹ cô đã khuyên cô nên vâng lời chồng. Bà ấy thường nói "Con phải nghe theo nó, bởi vì Người phụ nữ không ăn đòn chẳng khác nào ngôi nhà chưa được dọn sạch" – một câu châm ngôn thường dùng ở Moldavia.

Vài năm sau, Maria bỏ trốn. Cô để con gái mình cho cha mẹ cô và đến Odessa, nơi cô bán máy dọn thảm và những hàng hóa khác trên đường phố. Chồng cô đã bám theo cô đến Ucraina, và cô đã trở về với hắn trong một thời gian ngắn, nhưng hắn lấy hết sạch số tiền tiết kiệm của cô để uống rượu và đánh đập cô. Lần tới cô đến Rumani, nơi cô tìm được một công việc phục vụ bàn. Cô đã trở về Moldavia để gặp con gái mình.

Đến đây câu chuyện như muốn vỡ òa. Nước mắt lăn dài trên má cô. “Những năm mà con gái cần tôi nhất thì tôi lại không ở bên được”, cô nói. Những rắc rối với chồng lại xảy đến, và Maria mang con gái mình về sống với cha mẹ đẻ. Cô quyết định làm thủ tục ly hôn.

“Sau đó có một phụ nữ đến làng và chào mời những công việc ở Thổ Nhĩ Kỳ”, Maria nói.

Sau một thời gian dài trong một bệnh viện ở Istanbul, cô đã trở về nhà. Cô nói: “Tôi không còn thực sự là một con người nữa. Tôi không thể đi, không thể làm việc”. Mặc dù đã qua vài ca phẫu thuật và chỉnh hình, cô vẫn phải đi lại rất đau đớn.

Cô kiếm được việc tại một cửa hàng pizza, nơi cô đã gặp một người đàn ông tử tế. Giờ đây họ sống cùng nhau ở Chisinau, cùng với cả con gái cô. Bạn trai cô đang làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Maria đã có những kế hoạch lớn – mua ngôi nhà nhỏ mà họ đang thuê và biến nửa trước nhà thành cửa hàng.

Cô nói với tôi: “Khát vọng được sống của tôi giờ đây mới lớn làm sao”.

Những đứa trẻ mồ côi “bất đắc dĩ”

UNICEF ước tính rằng gần 1/3 trẻ em ở Moldavia đã bị hoạt động di cư cướp đi ít nhất hoặc cha hoặc mẹ; hàng nghìn trẻ em mất cả cha lẫn mẹ. Chúng được gọi là “trẻ mồ côi xã hội”. Đôi khi có một người họ hàng hay hàng xóm nhận trông nom chúng. Nhưng thường thì chúng phải tự bảo vệ mình. Nhiều trẻ cuối cùng đã phải vào ở các trại mồ côi.

Tôi đã đến thăm một vài trại trẻ mồ côi ở Moldavia; đó là những nơi tồi tàn, thô sơ. Agafia Procop, giám đốc một trại trẻ mồ côi lớn ở Chisinau, nói rằng ngân sách của trại là 74 đôla/tháng cho mỗi trẻ. Bà nói: “Tiền đó là để mua thức ăn, trả lương giáo viên, tất cả trang trải cơ sở vật chất của trại, và việc tu sửa nữa. Nhưng chỉ riêng thức ăn thôi cũng mất 40 đôla mỗi tháng rồi”. Chúng tôi đang ngồi trong văn phòng rộng, tối lờ mờ và lạnh lẽo của bà. Giống như những trại trẻ mồ côi khác ở địa phương, trại của bà dựa vào các nguồn từ thiện tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.

Emilia Mocanu, giám đốc một trại trẻ mồ côi ở thị trấn phía nam có tên Cahul, nói với tôi rằng bà lo lắng về những điều sẽ xảy ra với những đứa trẻ mà giờ đây bà coi như con. Mocanu nói: “Hầu hết chẳng có nơi nào để đi, và chưa sẵn sàng cho một cuộc sống độc lập”. Bà còn nói thêm rằng, theo bà biết, không một đứa trẻ nào trong số những đứa trẻ thuộc trại của bà từng bị buôn bán, nhưng chúng được cho là đối tượng đặc biệt dễ bị sa bẫy. Các tổ chức phi chính phủ thường đến những trại trẻ mồ côi và hướng dẫn về những nguy cơ trở thành nạn nhân của hoạt động buôn người. Bà nói tiếp: “Và sau mỗi lần hướng dẫn đều có ít nhất một cháu đến gặp tôi và nói ‘Có thể mẹ cháu bị bán đi rồi, và có lẽ vì thế mà cháu chẳng nghe được gì về bà ấy cả’ ”.

Không nguôi hy vọng

Một trong những tổ chức từ thiện đã hỗ trợ cho các trại trẻ mồ côi ở Moldavia là Children’s Emergency Relief International (CERI), một tổ chức thuộc Giáo hội Baptist Mỹ. Thông qua CERI, tôi đã gặp được một nhóm phụ nữ trẻ, những người sống chung trong một căn hộ ở Chisinau và tất cả đều có kinh nghiệm trong việc chăm sóc các gia đình hay trại trẻ mồ côi. Tất cả họ đều đang đi học và cực nghèo – phải chật vật trả tiền thuê nhà, kể cả với những khoản tiền mà CERI trả, cho một căn hộ hai phòng ngủ nhỏ xíu. Đi khỏi Moldavia với họ dường như là niềm hy vọng cải thiện bản thân duy nhất.

Olga, 21 tuổi và đang học khoa Mỹ dung (Chăm sóc sắc đẹp), nói: “Không có tương lai nào ở Moldavia cả. Chúng tôi có thể không bao giờ mơ đến bất cứ thứ gì giống như một ngôi nhà”.

Anna, người đang học về quản lý văn phòng với hy vọng sẽ trở thành một thư ký – và là người đã từng phải đi ăn xin trên những hè phố ở Chisinau – dường như biết tất cả về những nguy cơ của hoạt động buôn người. Cô nói, nếu bạn đến tìm một đại lý du lịch “rởm”, thì có thể bạn phải gặp kết cục là bị bán vào nhà chứa. Tuy nhiên, cô vẫn hy vọng một ngày nào đó được ra nước ngoài. “Ở đây chẳng có gì cả”, cô nói.

Chưa một cô gái nào trong số này từng đi ra ngoài Moldavia. Ba trong số họ mới chỉ lần đầu được đi xem một vở nhạc kịch.

“ ’Romeo và Juliet’ ”.

“Hay thế chứ!”

“Chúng tôi đã khóc”.

“Cả hai đều chết”.

“Vì tình yêu!”.

Làm bất cứ điều gì tốt!

Rotaru không hề có những ảo tưởng về chính phủ của bà. Song giờ bà vẫn thường tự hào khi làm việc với các Bộ khác nhau; Trung tâm điều trị, chẳng hạn, giờ đây đang hoạt động trong sự hợp tác với chính phủ. Quan hệ với các chính phủ nước sở tại – “nâng cao năng lực” – là một vấn đề kinh niên đối với các tổ chức quốc tế. Năm 1951, IOM được Mỹ và các chính phủ Tây Âu lập ra để giúp ổn định nơi ăn ở cho những người phải sống lưu vong do Chiến tranh thế giới thứ hai. Với trụ sở chính ở Geneva, giờ đây tổ chức này có hơn 120 nước thành viên và hơn 400 văn phòng trên khắp thế giới. Đây là một tổ chức liên chính phủ, chứ không phải phi chính phủ, có sứ mệnh thúc đẩy “di cư nhân đạo và có trật tự”, theo tôn chỉ của nó. Trong một số trường hợp, nó đã bị một số nhóm hoạt động nhân quyền chỉ trích vì đã gắn quá chặt với các chính phủ trong việc giải quyết vấn đề người tị nạn. Nhưng IOM là tổ chức cứu trợ lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới trong vấn đề di cư, và nắm giữ vị trí quan sát viên thường trực trong Liên Hợp Quốc.

Tại văn phòng, Rotaru đã nhận được một cú điện thoại từ Nomi Levenkorn, giám đốc một đường dây nóng của những công nhân di cư ở Israel, nói về một người được cho là nạn nhân của hoạt động buôn người đến từ Moldavia và đang bị nhiễm HIV/AIDS. Liệu ở đó có dịch vụ điều trị nào không nếu cô ấy được hồi hương? Rotaru đã miêu tả những nguyên tắc nhận điều trị HIV miễn phí ở Moldavia – là công dân Moldavia, đang ở giai đoạn bệnh lý. Nhưng bà cũng có một số câu hỏi dành cho Levenkorn. Và càng nghe nhiều về hoàn cảnh và tình hình gia đình của nạn nhân ở Moldavia, bà càng đi đến nghĩ rằng có thể cô ấy sẽ tốt hơn khi ở lại Israel và được điều trị ở đó.

Điều này đối với tôi nghe có vẻ như một hành động chống hồi hương. Rotaru khoát tay. Bà nói: “Bất kỳ điều gì là tốt nhất cho đối tượng hưởng lợi”. Để người phụ nữ này ở lại được Israel, địa vị VOT của cô ấy cần phải được xác nhận. “Anh biết đấy, tôi nghĩ những người di cư và phụ nữ bị bắt kẹt trong nhà lao cũng xứng đáng nhận được sự giúp đỡ của chúng tôi. Chúng ta không được phép để họ chết dần chết mòn. Nhưng nhiều tổ chức phi chính phủ chỉ dành tiền cho các VOT. Nhà tài trợ muốn tài trợ cho một hoạt động nào đó mà thôi. Một số chỉ tài trợ cho vùng Balkan. Số khác chỉ giúp những trẻ vị thành niên”.

(Còn nữa)

Thi Thi (Vietimes) dịch từ The New Yorker

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video