“Nữ tướng” với 10.000 “quân”

21/07/2005
Trên bước đường đi đến thành công, mỗi doanh nghiệp đều để lại cho riêng mình dấu ấn về sự phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách...

Riêng với bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Ba Nhất (thị trấn Uyên Hưng, Tân Uyên), thì sức phấn đấu của bà đã vượt ra ngoài khả năng của một con người bình thường! Tại Đại hội thi đua ngành thương mại- du lịch tỉnh Bình Dương lần thứ I vừa qua, bà vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh, được báo cáo điển hình tiên tiến tại đại hội và đã gây xúc động, tạo ấn tượng mạnh mẽ trong giới doanh nhân.


Đem “đồ bỏ” đổi lấy ngoại tệ


Phát biểu kết luận tại Đại hội thi đua điển hình tiên tiến ngành thương mại- du lịch tỉnh Bình Dương lần thứ I, năm 2005, Thứ trưởng Bộ Thương Mại Trần Đức Minh đã không dưới 2 lần nhắc đến tên gọi Ba Nhất và những sản phẩm độc đáo của doanh nghiệp này được làm bằng các loại nguyên liệu tầm thường, đơn giản, nhưng có giá trị xuất khẩu lớn, mang tính giá trị gia tăng cao là: mây, tre, lá, lục bình, bẹ chuối… Ông cũng nhiều lần lặp lại rằng: Để đứng vững và hội nhập mạnh mẽ vào thị trường thế giới, cần có nhiều mặt hàng mang tính độc đáo, nhưng tiện dụng và được làm bằng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, để làm tăng tính cạnh tranh, vừa làm tăng giá trị kinh tế của hàng hóa vừa giải quyết tốt vấn đề lao động tại chỗ vì tại Bình Dương hiện nay, còn quá ít những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo hình thức này, mà phần lớn là làm dưới dạng gia công, chế biến, chế xuất… bằng nguồn nguyên liệu nhập ngoại… Đây là dấu hiệu của sự tăng trưởng thiếu bền vững vì nó đem lại giá trị lợi nhuận không cao!


Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Ba Nhất thì nhẹ nhàng nhắc lại sự khởi đầu của HTX, chỉ đơn giản từ suy nghĩ mang tính xã hội của một cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ: “Sau giải phóng, nhiều anh chị em, khủng hoảng tinh thần, thiếu việc làm… mà sa chân vào con đường nghiện ngập, tội lỗi. Để góp phần giải quyết tận gốc tệ nạn này, tôi nghĩ: Vai trò động viên, giáo dục, chia sẻ của hội không chưa đủ, mà phải có giải pháp mang tính căn cơ là tạo việc làm ổn định, phù hợp với điều kiện của anh chị em. HTX ra đời, vừa tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú sẵn có khắp nơi trong tự nhiên, dễ học, dễ làm. Chỉ cần con dao, cây kéo, không cần nhiều vốn liếng, nhà xưởng… lại tận dụng được thời gian nhàn rỗi để vừa làm chuyện nhà vừa tham gia sản xuất, tạo thêm thu nhập ổn định…”. Đến nay sản phẩm của Ba Nhất đã xuất khẩu đến hầu hết các nước châu Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc… trong đó có nhiều thị trường lớn, nổi tiếng khắt khe: Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập… Doanh thu mỗi năm từ hàng chục ngàn đến vài trăm ngàn USD. Giải quyết việc làm ổn định cho gần 10.000 lao động trải dài khắp mọi miền đất nước từ Hà Tây, Thanh Hóa… đến đất mũi Cà Mau. Trong đó có khoảng 8.000 người là học viên các trường “Giáo dục và đào tạo việc làm”. Thu nhập bình quân từ 1.300.000- 1.600.000 đồng/người/tháng. Đây không chỉ là thành quả to lớn về mặt kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích xã hội khác, xuất phát từ ý tưởng ban đầu của người sáng lập HTX là biết: “Đem đồ bỏ để đổi lấy ngoại tệ!”.


Gian nan thương hiệu “Ba Nhất”


Có được vinh quang hôm nay, Ba Nhất đã trải qua biết bao thăng trầm, khủng hoảng, có lúc đứng bên bờ vực phá sản… Đó là giai đoạn 1988-1990, khi các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, Ba Nhất mất hết thị trường, hàng tồn kho chồng chất phải đem… đốt bỏ! Tiền bán hàng không lấy được mà nợ nần thì tứ vây, từ tiền nguyên liệu, chi phí vận chuyển, lãi vay ngân hàng… đến lương công nhân! Chủ nhiệm HTX phải bán cả ngôi nhà đang ở của gia đình ra mà trả nợ và gom góp “tàn quân” để làm lại từ đầu, vì mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu mây, tre, lá… của HTX rất hợp thị hiếu của người tiêu dùng ở các nước giàu có, văn minh. Dù rất khó khăn về tài chính, thủ tục… nhưng bà Cúc đã tìm đủ mọi cách để ra nước ngoài, tiếp cận thị trường, tìm nhà phân phối… nhằm chào hàng, giới thiệu sản phẩm của mình. Do không đủ tiền để thuê Show Room, ký gởi hàng hóa… bà chủ nhiệm đã dùng đến “chiêu”: năn nỉ các hãng lớn, các khách sạn nổi tiếng, các văn phòng đại diện… cho Ba Nhất dọn dẹp sạch sẽ một góc phòng nhỏ, rồi dùng sản phẩm của mình: bàn, ghế, sa-lon, kệ, tủ… đặt vào văn phòng như một cách trưng bày, giới thiệu sản phẩm… miễn phí. Khách hàng đầu tiên đến với Ba Nhất là một người Đài Loan, rồi sau đó đến người Pháp, người Nhật… Và tiếng lành đồn xa, nhiều tập đoàn phân phối đa quốc gia, các khách hàng lớn… lần theo địa chỉ tìm đến Ba Nhất đề nghị được ứng vốn trước cho HTX mở rộng nhà xưởng, đầu tư nguyên liệu, sản xuất với số lượng lớn, ký hợp đồng dài hạn… cho đến ngày hôm nay.


Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng phòng Hành chánh- nhân sự HTX cho biết: HTX hiện đang trưng bày gần 1.000 sản phẩm nội thất từ: thảm trải sàn, giường, chiếu, khay, kệ, rổ rá… cho đến các vật dụng trang trí văn phòng, phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp… Mỗi tháng HTX cho ra đời thêm từ 3 đến 5 mẫu sản phẩm mới. Nhờ hệ thống gia công gián tiếp trải dài từ Bắc chí Nam, đã giúp HTX giải tỏa phần nào khó khăn về nguyên liệu, cũng như áp lực từ các đơn hàng lớn. HTX đang tập trung sức lực để vào thị trường Mỹ vì ở đó mang tính ổn định cao. Nếu không có gì thay đổi thì sau hợp đồng thăm dò trị giá 200.000 USD, Tập đoàn IKEA sẽ tiến hành ký hợp đồng dài hạn với Ba Nhất từ 3-5 năm.


Mỗi sản phẩm của Ba Nhất, từ nhỏ đến lớn đều có mang thương hiệu, logo của HTX khi đi ra thị trường. Bởi Ba Nhất không chỉ tự hào là sản phẩm độc đáo, mà còn là sản phẩm “sạch”, không sử dụng hóa chất, chất độc hại để ngâm tẩm… mà hoàn toàn được sản xuất từ môi trường tự nhiên. Khi đã ổn định về thị trường, thì Ba Nhất lại đứng trước nỗi lo mới là vốn và vùng nguyên liệu. Cũng theo ông Nghĩa: “Chúng tôi đang phải cạnh tranh với một đối thủ khổng lồ ngay sát bên cạnh là Trung Quốc. Hàng của họ không tinh xảo, đa dạng như mình, nhưng giá của họ rất cạnh tranh do được Nhà nước hỗ trợ về vốn vay cũng như điều kiện để hội nhập thị trường. Dù sản phẩm của Ba Nhất góp phần rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, đối tượng lầm lỡ… đang học tập, cải tạo trong các trường, trại… nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ các nơi này”.

Cái lợi lớn nhất mà HTX Ba Nhất mang lại cho xã hội ngoài thu nhập thường xuyên, ổn định của gần 10.000 lao động trên khắp cả nước là tạo được lối ra, niềm hy vọng… cho những mảnh đời lầm lỡ, tuyệt vọng! Còn trên thương trường, Ba Nhất vẫn nổi tiếng là doanh nghiệp có trị số gia tăng cao, do biết “Đem đồ bỏ đổi lấy ngoại tệ”, từ ý tưởng và năng lực điều hành của “Nữ tướng” Nguyễn Thị Cúc với 10.000 “quân” không cần doanh trại!

Theo báo Bình Dương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video