“Nối giáo” cho con hư

13/11/2011
Cứ cái đà “con dại”, cha mẹ bao che, đứng ra giải quyết hết lần này đến lần khác, vô tình đưa con ngày càng đến gần cổng trại giam.

Ngay từ tuổi thiếu niên, Minh H., con trai một của bà Năm ở xã Sông Ray (Cẩm Mỹ-Đồng Nai), đã nổi tiếng ăn chơi khắp vùng.

Gánh tội thay con

Mới ở tuổi thiếu niên, trong khi bạn bè đồng trang lứa gần nhà siêng năng đến trường thì H. lại chỉ ở nhà tụ tập bài bạc, cà phê, thuốc lá. Cha mẹ H. là một đầu mối lớn buôn bán vải ở chợ nên trong nhà luôn sẵn nhiều tiền. Vốn hay cưng chiều con, mỗi khi cậu ấm gây sự làm hư cây cảnh, bể kính nhà người ta hay đánh nhau với bạn bè, ông bà Năm luôn đứng ra thu xếp, sau đó chỉ rầy la, nhắc nhở sơ sơ, vô tình từng ngày “nối giáo” cho con hư. Vì luôn có cha mẹ làm bia che chở, H. ngang nhiên phá làng, phá xóm, chẳng hề sợ ai la mắng hay quở phạt.

Có khi nửa đêm, H. rủ rê hơn cả chục đứa bạn ra đường lớn đua xe. Khi hay bị công an bắt cả nhóm về đồn làm đơn tường trình, cha mẹ H. vội vã lên đóng tiền phạt và bảo lãnh cho con trai về ngay. Mỗi lần H. làm sai điều gì, ông bà Năm hầu như chẳng trách móc, rèn dạy chi cả vì H. thường dọa sẽ bỏ nhà đi bụi. Hàng xóm thấy H. càng lớn càng hư hỏng, hay kiếm chuyện đánh nhau, tụ tập băng nhóm gây náo loạn xóm phường nên nói mé, đề nghị ông bà Năm gửi H. vào trường giáo dưỡng. Vậy mà ông bà Năm bênh con chằm chặp, còn tỏ ra bực bội: “Toàn xúi dại. Đưa vào trong đó cho cực thân con tôi à!”. Được thể, thói hư tật xấu của H. ngày càng tăng theo thời gian.

Hậu họa khôn lường

Cách đây hai tháng, gặp bà Năm ở Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM, tôi không khỏi bất ngờ vì trông bà hốc hác và già đi nhiều. Hỏi thăm bà, tôi được biết H. đua đòi theo bạn bè lên TPHCM làm việc, vừa được hoàn toàn tự do, không phải thấy những cái nhìn dò chừng của cha mẹ vừa có tiếng là làm việc trên TP. Nhưng với thành tích mê chơi, biếng học từ bé, H. chẳng có nổi bằng tốt nghiệp THCS, thế nhưng đã chạy vạy sao đó mà xin được vào làm bảo vệ cho một công ty. Bà Năm ứa nước mắt kể: “Mới làm hơn tuần thì nhậu xỉn chạy xe đụng người ta chấn thương sọ não. H. chỉ xây xát nhẹ nhưng người ta bị nặng lắm”.

Hay tin, vợ chồng bà Năm vội gom hết tiền bạc lên lo liệu hơn cả tháng nhưng sau đó vì nạn nhân qua đời, H. sợ hãi bỏ trốn. Từ quê, ông bà Năm lại vơ vét hết khoản tiền hàng được gần 200 triệu đồng để đưa cho gia đình nạn nhân lo hậu sự. Do ông bà Năm tận tình thăm hỏi, cư xử phải phép nên gia đình nạn nhân không đâm đơn kiện ra tòa. Gây ra chuyện tày trời thế mà từ lúc nạn nhân vào viện cấp cứu cho đến khi mất, H. vẫn không đến nhận lỗi trước gia đình nạn nhân. Mỗi khi người nhà bên ấy hỏi đến, ông bà Năm lại bảo là H. bệnh nặng, không đến được.

Bà Năm kể tiếp: “Thật ra là tôi bảo nó khoan về nhà, chờ tôi với ổng thu xếp ổn đã. Lo chưa xong mà ló dạng, thế nào người nhà nạn nhân cũng làm dữ”. Sau một thời gian trốn chui trốn nhủi, khi được cha mẹ báo đã thu xếp mọi chuyện ổn thỏa, H. liền ung dung trở về nhà.

Mới tuần rồi, trong khi nhậu, nhóm bạn của H. to tiếng với một nhóm nhậu ngồi bàn bên cạnh, H. liền chạy về nhà xách dao chém một người bị trọng thương rồi đón xe lên TP trốn. Không sẵn tiền như trước, ông bà Năm phải chạy vạy khắp nơi để lo thuốc thang cho nạn nhân.

Không biết sau lần này H. có “sáng mắt”, tự ngẫm lại mình và biết thương cha mẹ chưa? Ông bà Năm thì đã mỏi gối chồn chân trước những việc H. gây ra, cũng đã nghĩ đến việc con trai đã lớn, phải tự chịu trách nhiệm nhưng… e là quá muộn.

Cứ cái đà con cứ làm sai thì người làm cha mẹ đứng ra giải quyết mọi chuyện, không sớm thì muộn H. sẽ gây đại họa cho gia đình và chính ông bà Năm đã vô tình đưa con đến gần với cổng nhà giam.

Dạy con tuổi dậy thì là thử thách lớn nhất đối với các bậc cha mẹ. Vì đến độ tuổi 'ẩm ương' trẻ thường 'trái tính, trái nết' và ương bướng khiến những 'đấng sinh thành' không khỏi đau lòng. Dạy con tuổi dậy thì sao đây để nhẹ lòng mẹ, thỏa lòng con?

Theo eva.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video