“Cô giáo mẹ” ở vùng cao Lào Cai

18/06/2022
7 năm qua, người phụ nữ với dáng vẻ gầy gò ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, đã dang tay nhận nuôi nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có điều kiện học tập và được các em gọi với cái tên trìu mến là “cô giáo mẹ”.
Cô Minh vừa là cô giáo, vừa là người mẹ được các em nhỏ yêu mến

“Cô giáo mẹ” của nhiều trẻ em nghèo ở vùng cao Lào Cai

Người cô giáo ấy tên là Nguyễn Thị Thanh Minh (SN 1966), trú tại tổ 1, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Cô lớn lên trong gia đình có bố làm nghề giáo. Sống trong môi trường giáo dục nên cô lựa chọn nghề của mình là làm giáo viên mầm non.

Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, cô Minh được phân công về dạy mầm non tại Phong Hải từ đó đến nay đã hơn 30 năm. Đến năm 2016, tuy tuổi đã cao, nhưng cô vẫn tình nguyện công tác ở các điểm trường vùng khó của Phong Hải như phân hiệu Xín Thèn, Sảng Pả.

Cô Minh kể lại: “Năm học 2016 - 2017, tôi xung phong lên dạy ở phân hiệu thôn Sảng Pả, nơi đây các trung tâm thị trấn Phong Hải khoảng 10km. Trong thôn có một bản nằm tít tận trên núi cao, chỉ có 9 gia đình, cuộc sống của họ muôn vàn khó khăn. Sống ở cách xa điểm học tập, các cháu không được đến lớp mà phải ở nhà theo bố mẹ lên nương. Tôi thương các con lắm”.

Khi nhận công tác tại Sảng Pa, chứng kiến nhiều em nhỏ không được học tập, khi thì ngồi xem các anh chị lớp 1, 2, 3 học, khi thì ra ngoài đường, các mương nước chơi đùa.

Thấu hiểu được hoàn cảnh, cô Minh đã đến từng nhà để vận động gia đình cho các cháu đi học. Khi nghe bà con nơi đây chia sẻ những khó khăn về kinh tế, cũng như quãng đường đi lại xa, cô Minh đã không ngần ngại đưa ra ý kiến với gia đình để mình chăm sóc các con, gia đình không cần chu cấp gì cả và đã được chấp nhận.

“Năm học đó, tôi đã nhận nuôi 4 cháu, những ngày đầu xa bố mẹ các cháu khóc rồi đòi về nhà, cùng với việc chăm các con cả ngày nên cũng vất vả. Hơn nữa, từ nhà tôi đến điểm trường khoảng 6km nên phải dậy thật sớm, nấu cơm cho các con ăn sáng rồi cùng các con đi học”, cô giáo chia sẻ.

Được đi học, các con được cô giáo dạy tiếng phổ thông, khi biết nói vài từ các con thường gọi cô Minh bằng cái tên “cô giáo mẹ”. “Được gọi bằng cái tên ấy tôi vừa buồn cười, vừa vui, không nghĩ các con lại quý mình mà gọi bằng mẹ như vậy”, cô Minh cười nói.

Nhiều lần cô ốm, mệt đang nằm nghỉ trên giường, mấy đứa vào lay người gọi “mẹ ơi dậy đi, mẹ ơi dậy đi” cũng là thời điểm mà cô Minh cảm thấy hạnh phúc nhất, như được các em nhỏ đáp trả tình cảm từ công lao nuôi dưỡng bảo lâu nay.

Đến năm học 2017 - 2018, nhờ sự quan tâm của địa phương, cô Minh được chuyển công tác về gần nhà tại tổ 1, thị trấn Phong Hải. Điều này giúp quãng đường đến trường của các em không còn xa nữa, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, “cô giáo mẹ” cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Hết lòng vì các con

Đến nay, cô giáo Minh đã nhận nuôi 14 cháu nhỏ và hiện đang nuôi 4 cháu tại gia đình. Dẫu gặp nhiều khó khăn về kinh tế, vật chất nhưng vẫn cố gắng vì tình yêu thương các em nhỏ và là sự tận tâm với nghề giáo.

“Tôi cũng rất vui vì được các con ủng hộ việc làm của mình, chúng nó còn thường gửi tiền về cho tôi để có chi phí lo cho các em nhỏ”, cô Minh bộc bạch.

Việc nhà cũng bộn bề, nhưng người phụ nữ này luôn gác lại tất cả để đến khi cuối tuần các em nhỏ được bố mẹ đón về thì cô mới thực hiện. Sau thời gian trên lớp, cô Minh đón các cháu về và tiếp tục công việc chăm sóc các cháu ở nhà như tắm giặt, gội đầu, nấu cơm. Trong bữa cơm, các con nói: “Cô giáo mẹ ơi, ở nhà cô giáo được ăn cơm với thịt, về Sảng Pả không có thịt ăn đâu”. Nghe xong cô Minh thấy nghẹn lòng.

Cô Minh kể lại kỷ niệm mà cô nhớ mãi: “Lần cháu Cư Thị Chứ (2 tuổi) bị ốm, sốt, khó thở vì bị viêm phổi cấp, tình trạng rất nguy hiểm. 12h đêm trời mưa, tôi quyết định đóng cửa “nhốt” 3 cháu trong nhà lại và vội đưa Chứ đến phòng khám cách nhà 5km cấp cứu. Khi đi tôi vừa lo cho Chứ, vừa nghĩ đến 3 đứa ở nhà lỡ tỉnh dậy có làm sao không. Rất may là cháu bé được đến cấp cứu kịp thời”.

laodong.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video