“3 sạch” tiếp tục được Hội LHPN Việt Nam lựa chọn triển khai trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới

06/04/2022
Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ tiếp tục là nội dung được Hội LHPN Việt Nam lựa chọn để triển khai trong tiêu chí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (tiêu chí 17.8).
Cải thiện vệ sinh, nước sạch thực sự là nhu cầu cấp bách của phụ nữ và người dân (Ảnh minh họa)

Tiêu chí Nông thôn mới về 3 sạch

Ngày 08/3/2022, Chính phủ ban hành văn bản về bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025[1]. Trong đó, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, đặc biệt các nội dung về sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động tiếp tục được đưa vào tiêu chí 17.8 - tỷ lệ hộ gia đình có nhà tắm, nhà tiêu, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch.

Trong giai đoạn 2015-2020, nhiều hoạt động phong phú của các cấp Hội LHPN Việt Nam thực hiện 3 sạch đã trở thành “thương hiệu” và tiếp tục được Chính phủ và các bộ ngành ghi nhận, giao nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025.

Các nấc thang vệ sinh gắn với sự phát triển của phụ nữ

Tiếp cận với nước sạch và vệ sinh là mục tiêu thứ 6, bên cạnh mục tiêu số 5 về bình đẳng giới, trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cải thiện vệ sinh, nước sạch là nấc thang không có điểm dừng và mỗi nấc thang là thước đo quan trọng đánh giá sự văn minh, phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia.

Ở cấp độ cá nhân và hộ gia đình, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước sạch và vệ sinh gắn liền với sự phát triển của phụ nữ. Nghiên cứu của Actionaid và Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho thấy một phụ nữ ở Hà Giang có thể tiết kiệm được 54 ngày làm việc mỗi năm nếu họ được tiếp cận với nước sạch ở nơi họ sống. Các công việc chăm sóc không lương phần nhiều liên quan đến nước và vệ sinh như nấu nướng, tắm cho con, giặt giũ, vệ sinh nhà cửa, chăm sóc người già, người ốm trong gia đình, … chiếm phần lớn thời gian của người phụ nữ. Khi nguồn nước được bố trí thuận tiện, gần nơi nấu nướng, giặt giũ, có nhà tiêu hợp vệ sinh, có chỗ rửa tay với xà phòng, thời gian làm các công việc này được giảm bớt, sức khỏe gia đình được cải thiện. Đó là thời điểm vòng tròn đói nghèo, tụt hậu được phá vỡ và phụ nữ sẽ có thêm thời gian học tập, nâng cao kiến thức, cải thiện các kỹ năng nghề nghiệp.

Cơ sở quan trọng trong huy động nguồn lực cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh hộ gia đình nông thôn

Cải thiện vệ sinh, nước sạch thực sự là nhu cầu cấp bách của phụ nữ và người dân. Hội LHPN Việt Nam đã được giao thêm công cụ về chính sách trong chương trình quốc gia Nông thôn mới. Thực hiện tiêu chí 17.8 với nguồn ngân sách huy động từ chương trình và từ xã hội hóa sẽ là cơ sở để các cấp Hội triển khai hoạt động nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và các thành viên gia đình bằng vân động thực hiện sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.

Các công trình, phần việc có thể là hỗ trợ các gia đình xây nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại hộ gia đình; là tuyến đường xanh, đoạn đường nở hoa, con đường hoa; phân loại rác tại hộ gia đình, biến rác thành tiền; an toàn thực phẩm, … Những hành động nhỏ sẽ lan tỏa, nhân lên tạo thành những thay đổi trong cuộc sống của mỗi gia đình, thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Hình ảnh đường nông thôn không rác và rực rỡ sắc hoa, những ngôi nhà sạch sẽ khang trang, có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo 3 sạch đã và sẽ là điểm tựa của các miền quê đáng sống trên khắp đất nước Việt Nam. Nơi ấy có sự góp sức của những người phụ nữ tần tảo, khéo léo, can trường và đầy nội lực. 

 

 

[1] Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3/2022 ban hành bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025

Phương Nhung

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video