"Chỉ đến khi xảy ra các vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng, cơ quan chức năng mới "xoắn" lên giải quyết!"

27/05/2020
Vẫn với phong thái nói thẳng, nói thật, nữ đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) không ngần ngại chỉ ra rằng, ngăn ngừa hành vi xâm hại trẻ vẫn chưa được nhiều địa phương coi trọng. Chỉ đến khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, thì các cơ quan ban ngành, tổ chức xã hội, nhà trường… mới "xoắn" lên đi giải quyết.
ĐB Ksor H'bơ Khăp (đoàn Gia Lai). Ảnh: quochoi.vn

Cuộc thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em sáng 27/5 tại Quốc hội cho thấy nhiều góc nhìn khác nhau và đáng suy ngẫm khi đề cập đến vấn nạn nhức nhối này. Đại biểu Ksor H'Bơ Khăp đã có những nhìn nhận rất thẳng thắn khi nói về các lỗ hổng khi luật hóa các hành vi xâm hại trẻ em, từ đó đề xuất bổ sung, hoàn thiện các Luật liên quan đến bảo vệ trẻ em.

Theo nữ đại biểu, các loại tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, cùng nhiều phương thức, thủ đoạn mà pháp luật chưa nhận diện được. Hiện nay, các hành vi xâm hại tình dục trẻ em tại nước ta vẫn chưa được nhận định đúng theo tiêu chuẩn của UNICEF.

Đại biểu dẫn chứng, các hành vi như quay lén, nhìn lén hoặc bắt trẻ em nhìn vào bộ phận sinh dục với hình thức trực tiếp hoặc qua mạng, hoặc hiện tượng khoe "của quý" nơi cộng đồng trường học vẫn diễn ra khá nhiều, nhưng gần như không bị xử lý theo chế tài của pháp luật.

"Nghị quyết cần được định hướng việc phòng, chống xâm hại trẻ em theo hướng phòng ngừa là chính, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại. Bởi thực tế khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, các cơ quan, ban ngành, tổ chức xã hội, phụ huynh nhà trường mới "xoắn" lên đi giải quyết" – đại Biểu H'Bơ Khăp cho hay.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa, chống xâm hại trẻ em, trang bị cho trẻ kỹ năng phòng, chống bị xâm hại, song nữ đại biểu cho rằng việc giáo dục các kỹ năng kiến thức này chủ yếu được tổ chức theo lớp học ngắn hạn hoặc được mở tư. Trong khi đó, các trường học, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động chỉ mang tính tuyên truyền, đối phó trên giấy tờ

"Thậm chí, ngay cả cha mẹ, thầy cô, khi giáo dục giới tính cho con em mình còn không dám nói đúng ngôn ngữ và sinh học như dương vật, âm đạo, mà cứ nói "chỗ ấy, chỗ đó", thì làm sao mang lại cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình? Rồi cuối cùng trẻ bị chính người quen, người thân xâm hại" – đại biểu này nhìn nhận

Theo ĐB Ksor H'Bơ Khăp, để bảo vệ con em mình, cần định hướng xác định các nhóm trẻ dễ bị xâm hại, trong đó chú ý nhóm trẻ ở các trường nội trú, các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở tôn giáo…

Nữ đại biểu cũng nhấn mạnh, bản thân cha mẹ cần ý thức cao hơn về giáo dục kỹ năng bảo vệ bản thân cho con. Bởi thực tế, nhiều gia đình vẫn duy trì việc ngủ chung cả nhà cùng giường trong khi con trai, con gái đã đến tuổi "ngấp nghé" dậy thì, hoặc cho các con ngủ với ông bà để kết nối tình cảm.

"Chính chúng ta đã có sự thờ ơ vì nhận thức của chúng ta chưa đúng, chưa đủ, không đáp ứng được những diễn biến của loại tội phạm này. Ta thường bảo trẻ không cho người khác chạm vào bộ phận sinh dục, trong khi kẻ xâm hại không cần như vậy đã có thể thoả mãn nhu cầu tính dục của mình" – đại biểu H'Bơ Khăp cho hay.

Từ thực trạng trên, đại biểu này kiến nghị Quốc hội cần nhấn mạnh rõ việc tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em, với mong muốn là trong thời gian tới toàn  xã hội nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ trẻ em.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tập trung cho công tác nắm tình hình  để cho các cơ sở, các đơn vị, trường học sẽ ngày càng được cải thiện hơn về việc phòng ngừa và phòng, chống xâm hại trẻ em.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video