“Đột phá” từ nguồn vốn nhỏ

15/07/2010
Với món vay nhỏ ban đầu từ nguồn vốn tín chấp qua kênh Hội Liên hiệp Phụ nữ (gọi tắt là Hội), phụ nữ thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế)đã thay đổi diện mạo kinh tế gia đình bằng các mô hình sản xuất chăn nuôi, kinh doanh, chế biến thủy sản...Một bộ phận chị em tạo bước đột phá, xây được nhà lầu, cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

Nuôi heo xây nhà lầu

Tiếng lành đồn xa, chúng tôi tìm đến nhà chị Dương Thị Điểm ở thôn An Hải. Nữ chủ nhân ngôi nhà hai tầng hoành tráng đang xịt nước tắm cho bầy heo trong chuồng. Xong việc, chị Điểm mời khách lên thẳng tầng hai, cùng nụ cười hóm hỉnh: “Mấy em tham quan công trình vừa mới hoàn tất, còn thơm mùi vật liệu, mừng cho chị. Tất cả đồ đạc, vật dụng trong nhà, hàng xịn cả đấy nhé, từ nuôi heo mà có, mà lên...Nay, chị tự coi như mình là người giàu, chị Điểm không chỉ là một người giàu “đơn thuần”, thành tích đáng nể của chị được Ban Chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam chứng nhận đạt danh hiệu Phụ nữ xuất sắc toàn quốc trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” nhiệm kỳ 2002 - 2007. Vẫn với nụ cười tươi, chị Điểm kể về hành trình làm giàu bắt đầu từ việc trở lại ký ức 15 năm trước, khi chị rời nơi chôn nhau cắt rốn Thái Nguyên, về Phú Vang thay người chồng đã mất, phụng dưỡng mẹ già. Lúc đó, một nách nuôi bảy con và mẹ già tuổi cao sức yếu, là thử thách nghiệt ngã đối với một phụ nữ. Trong căn nhà tranh, vách tôn tạm bợ, nhiều đêm chị Điểm không tài nào ngủ được vì gánh nặng mưu sinh. Chị mừng như người ta bắt được vàng, khi được vay một triệu đồng lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách huyện, thông qua tín chấp của Hội. Lại thêm vài đêm mất ngủ, suy nghĩ làm thế nào “giữ chặt” vốn, để từ đó đẻ ra lãi, hiệu quả nhưng phải thật chắc. Cuối cùng chị Điểm quyết định đầu tư toàn bộ số tiền vốn ban đầu vào công việc mà mình đã “có nghề” và có kinh nghiệm: làm đậu phụ kết hợp nuôi heo. “Vất vả lắm. Đêm nào cũng vậy, mẹ con chúng tôi phải thức dậy từ một giờ sáng, bắt đầu từ công đoạn xây đậu, nấu rồi ép. Xay đến đâu phải nấu liền đến đó, nấu chậm hỏng đậu ngay. Nhiều đêm rét cắt thịt, chỉ ướt sao được ngủ rướn thêm chút nữa. Nhưng phải tung chăn ấm mà dậy. Nếu không chiến thắng chính bản thân mình thì mong chi đạt được kết quả. Vào dịp mùng một Âm lịch hay ngày rằm, do sức mua mặt hàng tăng mạnh, tôi sản xuất và tiêu thụ phải đến tạ/ngày. Cực nhọc thật, nhưng mà vui, mừng khi đồng vốn mình vay được công thêm, nhân ra”. Cùng với việc làm đậu phụ, ban đầu chị “tậu” 6 con heo, dần tăng lên 10 rồi 20 con...Các chuồng heo nhà chị lúc cao điểm có 40 heo thịt, 2 heo nái. Hai “mẹ” cứ sòn sòn mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa suýt soát 20 con.

Có công mài sắt

 Chủ tịch Hội, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết: Tin mừng cho chị em là nguồn vốn tín chấp từ Ngân hàng Chính sách qua kênh Hội mỗi năm càng tăng lên. Năm 2007: 3,540 tỷ đồng; năm 2008: 4,370 tỷ đồng và năm 2009 là 4,860 tỷ đồng. Đến nay, có hơn 1318 lượt hội viên được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh và dịch vụ, có 28 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo thoát nghèo do sử dụng vốn có hiệu quả.

 Chị Ngô Thị Dự (thôn An Hải) trước đây thuộc diện nghèo “rớt mùng tơi”. Vợ chồng cùng 6 đứa con lít nhít chen chúc trong ngôi nhà lều rất chi là “thông thoáng”. Thông qua Hội, được vay 1 triệu đồng. Cũng như nhiều chị em khác, chi Dự quyết định phát triển đồng vốn bằng cách nuôi heo. Đầu tiên “thả” 2 con, sau nhân lên 1 chuồng, rồi 4-5 chuồng. Mỗi chuồng 4-5 con. Cứ bán lớp này lại nuôi lớp khác, một năm thu nhập 5,6 chục triệu. “Tui phải quản vốn bằng cách thả “nó” trong chuồng heo nhà mình, chăm bẵm sờ được chúng, theo dõi chúng lớn lên từng ngày, vậy mới yên tâm”. Từ nguồn thu nhập này, gia đình chị đã xóa căn nhà dột nát, thay vào đó là ngôi nhà kiên cố, khang trang. Cuộc sống tốt đẹp hẳn. “Nghe thì ngon ơ rứa, nhưng mà vất vả gian nan lắm. Tui làm suốt ngày, đi mọi ngõ ngách trong thôn, xách nước mả (thức ăn thừa vứt đi) về nấu lại, bổ sung vào khẩu phần ăn cho chúng. Chăm kỹ, vậy mà cũng “nộp mạng” 6 con heo đang độ 70 - 80 kg, trong đợt dịch lở mồm, long móng, tổn thất cả 10 triệu đồng”. Chị gom được cả lô kinh nghiệm qua thực tế nhiều năm “chinh chiến” và từ học hỏi. Bây giờ, chị Dự quá rành chăm sóc heo từng giai đoạn và lúc chúng “thọ bệnh”, lại còn lão luyện trong việc đỡ đẻ cho heo. Theo chị Dự: “con nào lọt lòng mẹ bị yếu, mình phải truyền hơi, bằng cách hà hơi vào miệng nó. Khi nào miệng “các nhóc” có tín hiệu nhúc nhích, biết là sống”. Hiện “hoạt động” gồm 1 nái đẻ và 22 heo thịt. Bầy heo phổng phao, sắp đến giai đoạn xuất chuồng, nhìn quá...mát ruột. “Mài sắt” miệt mài”, nếm cả thất bại đắng cay nữa, tui mới có được thành quả ngày hôm nay”. Nheo nheo đuôi mắt cười, chị Dự “chốt”.

Website Hội LHPN Thừa Thiên Huế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video