Đường về của người phụ nữ hoàn lương

24/06/2022
Chị Trần Thị Hồng, sinh năm 1978, tại thôn Tân Thuận, xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức là một minh chứng cho những cánh chim lầm lỡ làm lại cuộc đời, thay đổi cuộc đời bằng chính khả năng và nghị lực của bản thân. Từ trong lầm lỗi, chị đã kiên cường vượt qua số phận, cố gắng, nỗ lực thật nhiều với đôi bàn tay cần mẫn và sức sáng tạo trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Chị Trần Thị Hồng bên trang trại nuôi heo của gia đình

Chị Hồng sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề nông, rất nghèo khó, không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Năm 2002, chị lập gia đình, hai anh chị đều xuất thân trong gia đình thuần nông nên sau khi kết hôn cuộc sống của vợ chồng chị hết sức khó khăn. Không có vốn đầu tư để phát triển kinh tế gia đình, hằng ngày bản thân chị và chồng phải bươn chải làm đủ nghề để kiếm thêm thu nhập nhưng vẫn "ăn không đủ no, mặc không đủ ấm". Rồi đứa con trai đầu lòng chào đời đã khiến cho gia đình chị đã vất vả nay thêm phần vất vả hơn. Có lúc, cuộc sống của gia đình chị vô cùng bế tắc, cũng vì thế mà chồng chị đã nghe theo lời của kẻ xấu xúi giục, dấn thân vào con đường buôn bán chất cấm, ma túy, vi phạm pháp luật rồi sa vào vòng lao lý. Chồng đi tù, một mình chị phải gồng gánh kinh tế gia đình, lo cho đứa con còn nhỏ dại và cha mẹ già yếu. Hoàn cảnh đến bước đường cùng, chị lại dẫm lên vết xe đổ của chồng. Chị vi phạm pháp luật, phải ở tù, để lại đứa con trai mới lên 3 tuổi cho ông bà nội, ngoại chăm sóc ở quê nhà. Khoảng thời gian ấy, bà con hàng xóm láng giềng đã không ít người vừa giận, vừa thương cho vợ chồng chị.

Trong thời gian cải tạo, chị luôn cảm thấy dằn vặt bản thân, hối hận về những việc đã làm. Với mong mỏi làm lại cuộc đời, chị đã cố gắng cải tạo thật tốt nên được mãn hạn trước thời gian. Tháng 12/2010, vợ chồng chị Hồng được ra tù, quay trở về với gia đình và địa phương với nhiều mặc cảm nhưng được sự động viên, giúp đỡ của xóm làng, gia đình và chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, vợ chồng chị đã quyết tâm làm lại cuộc đời.

Chị đã được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế… Chị bàn bạc với chồng mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình VAC (vườn - ao - chuồng). Những năm đầu tiên làm kinh tế trang trại, vợ chồng chị thất bại nhiều do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu đầu ra, thiên tai, dịch bệnh… thậm chí nhiều lúc tưởng chừng không cứu vãn nổi, càng đầu tư càng lỗ vốn trong khi nợ ngân hàng càng ngày càng nhiều, lãi mẹ đẻ lãi con. Thời điểm đó thường xuyên mất ngủ bởi nhiều lo âu, đã nghĩ đến việc bỏ cuộc, chấp nhận số phận nhưng được sự động viên của hai bên gia đình,  anh chị lại cố gắng thêm lần nữa góp nhặt, tích lũy kinh nghiệm dần trong quá trình phát triển kinh tế, đồng thời, không ngừng tiếp thu học hỏi qua các lớp đào tạo nghề, qua báo, sách, mạng internet... để mạnh dạn bắt tay làm lại từ đầu.

Trong khuôn viên vườn rộng 2 ha, vợ chồng chị đã đào ao khoảng 600m2, thả cá với 5.000 con/1 lần thả nuôi với nhiều loại như diêu hồng, trắm, rô phi, cá chim…; mỗi năm, nuôi từ 2 - 3 lứa cá, bên cạnh đó, chị còn đầu tư vào nuôi gà thả vườn, vịt, ngỗng, heo... Hiện tại, gia đình chị đang nuôi 15 con bò sinh sản, 500 con gà, 500 con vịt và 150 con heo. Với bản chất cần cù, chịu khó, vợ chồng chị còn bỏ công sức cải tạo những thửa đất khô cằn thành những vườn rau xanh, sạch với đầy đủ các loại rau theo mùa như: dưa leo, rau cải, bầu, bí, đậu các loại và chăm sóc 2 ha rừng trồng keo nguyên liệu. Từ mô hình kinh tế tổng hợp đã cho gia đình chị thu nhập khoảng 400 - 500 triệu đồng mỗi năm. Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, từ đôi bàn tay trắng, giờ đây gia đình chị đã có cái ăn, cái mặc, có nhà kiên cố để ở, các con chị ngày một lớn, trưởng thành và ngoan ngoãn.

Không những tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình, là một hội viên phụ nữ, bản thân chị luôn gương mẫu thực hiện và vận động các thành viên trong gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy ước khu dân cư đề ra. Chị tích cực tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do huyện, xã tổ chức như “Ngày hội thể thao mùa xuân”, thực hiện “Góc bếp sạch”, CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn…

Với những kết quả phấn đấu, hàng năm, gia đình chị được công nhận là “Gia đình văn hóa”, đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” của địa phương. Năm 2020, chị được Hội LHPN huyện Hiệp Đức khen tặng có thành tích xuất sắc trong thực hiện phòng trào thi đua yêu nước 5 năm giai đoạn 2015 - 2020.

Thanh Hoá

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video