Đóng góp thầm lặng của “cô đỡ” thôn bản

07/09/2018
Vượt qua nhiều rào cản của những hủ tục lạc hậu, thiếu thốn về kinh tế, cô đỡ thôn bản H’ộch (dân tộc Mạ, ở xã Quảng Khê, huyện Đác Glong, tỉnh Đác Nông), đang lặng thầm làm nhiệm vụ, góp phần chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Trong suốt 14 năm tham gia hoạt động y tế thôn và có chín năm làm cô đỡ thôn bản, chị H’ộch (trong ảnh) đã chứng kiến nhiều sự việc đau lòng nơi đây. Kể về khoảng thời gian bắt đầu công việc, chị H’ộch nhớ lại những hình ảnh người phụ nữ trong quá trình mang thai phải đi làm nương rẫy thường xuyên để dễ sinh, kiêng ăn tôm cua vì sợ sinh con bị dị tật bàn chân, suốt thai kỳ chỉ ăn cơm độn khoai sắn với rau rừng. Hay câu chuyện về quá trình người phụ nữ dân tộc Mạ khi sinh con không cho ai nhìn thấy, lúc trở dạ thì chỉ có người chồng được ở nhà, có gia đình thì mời bà mụ dân gian đỡ đẻ, còn đa phần là người chồng hỗ trợ và tự sinh. Em bé chào đời được cắt dây rốn bằng nứa hoặc tre lồ ô và buộc bằng sợi rau rừng chuẩn bị từ trước đã phơi khô treo trên nóc nhà. Sau đó, bé và mẹ nằm cạnh bếp lửa rồi người nhà đào một cái hố ngay dưới sàn cho mẹ và bé tắm. “Có những bà mẹ mang thai thiếu chất gầy xanh xao, cố gắng làm lụng cho tới ngày trở dạ. Sau sinh, người phụ nữ chỉ có nghỉ ngơi vài ba ngày, ai ốm yếu quá thì ở nhà khoảng bảy ngày là nhiều nhất. Thật đau xót khi có lúc tôi còn chứng kiến bên cạnh nhà có em bé không may qua đời mà không biết nguyên nhân tại sao, có người trong vùng nói bị ma bắt. Sau này mới biết nguyên nhân trẻ chết là do uốn ván, còn người mẹ không qua khỏi do mất nhiều máu”, chị H’ộch trầm giọng tâm sự.

Năm 2004, H’ộch là một trong những người được già làng và phụ nữ trong thôn động viên làm y tế thôn để giúp người dân trong buôn mình. Sau 5 năm làm y tế thôn bản, chị H’ộch được trạm y tế xã chọn tham gia học lớp Cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) trong sáu tháng. Thời gian đó, H’ộch cùng các học viên được đào tạo về quy trình chăm sóc trước, trong và sau sinh; tư vấn kế hoạch hóa gia đình; giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe phụ nữ, trẻ em. Đối với cô đỡ thôn bản H’ộch lúc bấy giờ, việc thuyết phục người dân từ bỏ các hủ tục là việc rất khó, người đi tuyên truyền bị mắng là chuyện xảy ra hằng ngày. Thế nhưng, khó khăn đến mấy H’ộch vẫn quyết tâm kiên trì đến cùng với công việc của mình, không vì khó mà không giúp những người phụ nữ, những đứa trẻ cần cô. Lâu dần, nhờ sự miệt mài, áp dụng nhiều hình thức phong phú, mô hình thực tế, H’ộch đã giúp nhiều người dân hiểu ra, thay đổi hành vi xấu, bỏ dần các hủ tục. Bên cạnh đó, nhờ sự ủng hộ của già làng, H’ộch cùng các chị trong hội phụ nữ tuyên truyền đến bà con trong thôn bản về cách chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc trẻ bệnh, không sinh đẻ tại nhà, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ ba…

14 năm qua, bản thân vừa làm y tế thôn bản vừa là cô đỡ, chị H’ộch đã tích cực chăm lo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ em dưới năm tuổi, chăm sóc phụ nữ có thai trong thôn bản; khám thai, đỡ đẻ, phụ đỡ đẻ, chăm sóc hậu sản, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, chuyển lên tuyến trên những bà mẹ và trẻ em có nguy cơ mắc bệnh; đồng thời chị tham gia công tác tiêm chủng, cho trẻ uống Vitamin A. Chia sẻ về công việc gắn bó suốt những năm tháng qua, chị H’ộch cho biết, mới đầu làm công việc này khó lắm, chỉ được một vài người nghe theo. Đến nay, thôn bản đã khác xưa nhiều, hạn chế được việc phụ nữ sinh con tại nhà, ngày càng nhiều em bé chào đời khỏe mạnh. Dù số lượng việc đến tay bớt đi, nhưng H’ộch không thấy buồn, mà ngược lại rất vui vì công sức tuyên truyền, vận động của mình đã đạt hiệu quả. Người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đến các cơ sở y tế tuyến trên để sinh đẻ cho an toàn. “Tôi cho rằng, để nâng cao sức khỏe người dân, không chỉ riêng ngành y tế mà tất cả chúng ta cần chung tay góp sức, trong đó có mạng lưới cô đỡ thôn bản. Mong có thêm nhiều cô đỡ thôn bản để giúp đỡ người dân được nhiều hơn cũng như phụ nữ dân tộc thiểu số biết chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho bản thân, con cái và gia đình”, chị H’ộch chia sẻ.

Trong tâm niệm của cô đỡ thôn bản H’ộch, phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh và em bé sơ sinh là những người dễ bị tổn thương nhất và cần chị nhiều nhất. Vì thế, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng H’ộch vẫn quyết tâm đem sự hiểu biết và nhiệt tình của mình để giúp đỡ các bà mẹ và em bé ở bản.

Nhandan.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video