Đòi tiền cấp dưỡng nuôi con “trọn gói”

30/10/2017
Có nhiều lý do khiến người vợ đòi nhận “trọn gói” tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Nhưng, việc này không đơn giản như chị em mong muốn...
Lo người cha “bỏ quên” nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, sợ đối phương mượn cớ cấp dưỡng để quấy rầy cuộc sống riêng của mình và hận kẻ phụ bạc... là những lý do khiến người vợ đòi nhận “trọn gói” tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Nhưng, việc này không đơn giản như chị em mong muốn.
 
Ảnh minh họa (st)
 
“Trọn gói” để tránh “nợ khó đòi”
 
Trong lá đơn ly hôn gửi ra toà, chị Nguyễn Thị Tú (Hà Đông, HN) có nguyện vọng nuôi cả hai con và yêu cầu ngoài tài sản chia đôi, chồng chị phải đưa "trọn gói " một lần tiền cấp dưỡng nuôi hai con đến năm 18 tuổi. Tuy nhiên, anh Trần Văn Bình kịch liệt phản đối yêu cầu mà chị Tú đưa ra bởi không đủ khả năng kinh tế. Sau khi nghe hai bên trình bày và xem xét các yếu tố liên quan, Toà xử cho họ ly hôn, tài sản chia đôi, hai con do chị Tú nuôi dưỡng, anh Bình có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con với số tiền 2.500.000 đồng/tháng. Số tiền cấp dưỡng này được đưa cho chị Tú hàng tháng thay vì “trọn gói” một lần như chị yêu cầu trước đó. Chị Tú cho biết sẽ làm đơn kháng cáo vì cho rằng Toà đã xử “thiên vị”. Lý do chị đòi nhận "trọn gói" tiền cấp dưỡng nuôi con là do quá hiểu tính chây ỳ và vô trách nhiệm với con của anh Bình.
 

Theo chị Tú, hơn 10 năm chung sống, lương hàng tháng nhận về, anh chỉ đưa một ít cho vợ còn lại giữ riêng. Mỗi lần làm việc lớn gì trong gia đình không đủ tiền phải vay nợ thì trách nhiệm trả nợ sau đó cũng do chị cáng đáng, còn anh luôn đứng ngoài cuộc. Chị đưa ra bằng chứng, trong thời gian một năm sống ly thân, rất nhiều lần con thiếu tiền đóng học chị gọi điện bảo anh đưa tiền, nhưng hết lần này đến lần khác anh đều hứa hão. Kết quả là mọi chi phí cho con cái học hành, ăn uống đều do một tay chị xoay xở. Xét về điều kiện hoàn cảnh, chị khó khăn hơn anh sau khi ly hôn, nhưng vì thương con còn nhỏ nên chị nhận nuôi cả hai. Do đó, chị cũng rất cần khoản tiền cấp dưỡng nuôi con hàng tháng của chồng. Nếu nhận “trọn gói” một lần, chị sẽ bớt được gánh nặng nuôi con sau này.

 “Trọn gói” để dứt tình
 
Không giống như chị Tú, chị Trần Thị Oanh (Tây Hồ, HN) đưa ra lý do đòi nhận "trọn gói” tiền cấp dưỡng nuôi con từ chồng sau khi ly hôn là để chấm dứt mọi mối quan hệ. "10 năm sống và hi sinh hết cho chồng, cái tôi nhận lại là sự phụ bạc đau đớn. Cả đời này tôi căm hận anh ta và không muốn gặp lại thêm một lần nào nữa sau ly hôn. Vì vậy, tôi muốn anh ta đưa hết một lần tiền cấp dưỡng nuôi con rồi “biến mất” luôn trong cuộc sống của mẹ con tôi”.
 
 Tương tự, chị Lê Kiều Như (Hoàng Mai, HN) tìm đến trung tâm tư vấn hôn nhân tìm hiểu thủ tục để khởi kiện bắt buộc chồng cũ đưa tiền cấp dưỡng nuôi con hết một lần. Chị Như cho biết sau khi ly hôn, Toà tuyên mỗi tháng anh ta phải đưa cho chị 1 triệu đồng để nuôi con trai 4 tuổi cho đến năm 18 tuổi. Thời gian đầu anh ta không trực tiếp mang đến mà chuyển thẳng vào tài khoản của chị. Nhưng từ khi chị có ý định tái hôn thì anh ta luôn mượn cớ mang tiền đến để quấy rầy cuộc sống riêng tư của chị. Số tiền 1 triệu đồng, anh ta không đưa 1 lần mà chia làm 3, 4 lần để lấy cớ đến nhà chị bất kể giờ giấc.
 
Việc này đã khiến cho tình cảm riêng của chị không thuận lợi vì "người mới" luôn cho rằng chị vẫn còn dây dưa với "người cũ". Chị đã chuyển nhà mấy lần nhưng chồng cũ luôn tìm ra và vẫn lấy cớ thăm con và mang tiền cấp dưỡng đến để quấy rầy cuộc sống riêng tư của vợ cũ. Cực chẳng đã, chị tuyên bố không cần khoản tiền cấp dưỡng nuôi con ấy, nếu anh ta muốn gặp con, chị sẽ cho người chở đến tận nhà. Nhưng anh ta không đồng ý, bảo sẽ trực tiếp gặp đưa tiền nuôi con đến khi con 18 tuổi. Đây là lý do chị muốn nhận “trọn gói” một lần tiền cấp dưỡng nuôi con để chấm dứt sự phiền nhiễu của chồng cũ.

Không thuận lý thuận tình?
 
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Bích Lan (trưởng văn phòng luật sư số 5, Đoàn luật sư HN) cho biết: Chuyện đòi tiền cấp dưỡng nuôi con kiểu "trọn gói” một lần như các trường hợp trên là trái với luật, bởi không có một quy định nào buộc người cha phải thực hiện điều đó, trừ trường hợp người cha tự nguyện. Trên nguyên tắc, việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn sẽ duy trì đến năm con đủ 18 tuổi. Nhưng nếu người cấp dưỡng không may qua đời thì việc này sẽ chấm dứt. Mặt khác, số tiền cấp dưỡng nuôi con cũng có thể thay đổi tuỳ theo điều kiện hoàn cảnh của người phải thực hiện nghĩa vụ đó.
 
“Nếu người cha cố tình không đưa tiền cấp dưỡng nuôi con, người trực tiếp nuôi con có thể khởi kiện ra Toà. Trường hợp, đối phương lợi dụng việc ấy để quấy rầy cuộc sống riêng tư của người kia là bất hợp pháp, khổ chủ cũng có thể nhờ pháp luật can thiệp. Còn trường hợp giống như chị Lý, chỉ vì hận chồng cũ mà muốn đòi luôn tiền cấp dưỡng cho con một lần để đoạn tuyệt luôn mối quan hệ cha con là không thể. Bởi ngoài nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, theo luật, người cha vẫn có quyền được đến thăm con. Đó là vấn đề tình cảm và đạo nghĩa, không ai có quyền chấm dứt và đoạn tuyệt nó” – luật sư Bích Lan nói.

Thực tế, số chị em sau khi ly hôn mong muốn nhận được “trọn gói” tiền cấp dưỡng nuôi con từ chồng cũ không ít. Bởi có nhiều người cha cố tình trốn tránh nghĩa vụ đó sau khi hôn nhân đổ vỡ với đủ mọi lý do như: không có việc làm, không có tài sản, bản thân còn “sống bám” vào bố mẹ già. Cũng có trường hợp, sau khi tái hôn, điều kiện sống khó khăn, hoặc bị người mới ngăn cản người cha có trách nhiệm với con riêng nên việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bị “bỏ quên”. Kết quả là gánh nặng nuôi con sau ly hôn đổ lên vai người mẹ. Dù đây là đòi hỏi “vô lý” của chị em, nhưng nó cũng phản ánh thực trạng đáng buồn cần lên án của một bộ phận nam giới sau ly hôn đã không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Bởi khoản tiền cấp dưỡng đó không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn thể hiện tình cảm và tinh thần trách nhiệm của người cha đối với con cái khi hôn nhân đổ vỡ.

Theo: http://baophunuthudo.vn/(HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video