Đổi thay ở “bản đẻ” Pha Đén

26/12/2019
Từng được gọi là “Bản đẻ” vì dân trí thấp, tỷ lệ sinh quá cao khi trung bình mỗi gia đình sinh 5 con trở lên. Thế nhưng, chỉ tron vòng 10 năm, bản người Mông Pha Đén (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) đã thực sự thay da đổi thịt để những người từng đến và quay lại nơi đây phải bất ngờ.
Những người phụ nữ Mông ngồi quây quần bên hiên nhà để thêu trang phục truyền thống của đồng bào Mông.

Động lực để phụ nữ Mường Lát thoát nghèo

Theo ngôn ngữ địa phương, "Pha" nghĩa là núi, "Đén" nghĩa là cao, muốn nhìn thấy thì phải ngước mắt lên. Pha Đén với độ cao gần 1.500m so với mặt nước biển, là bản cao nhất ở xã Pù Nhi, và cũng là "nóc nhà" của cả tỉnh Thanh Hóa. Bản người Mông này quanh năm mây mù bao phủ, khí hậu bốn mùa mát mẻ.

Quãng đường từ trung tâm xã Pù Nhi lên đến bản Pha Đén khoảng 8km, đã được bê tông hóa, đi mất gần 15 phút. "Trước năm 2015, khi vẫn còn con đường đất, cứ hễ trời mưa là lầy lội, trơn trượt, muốn lên bản Pha Đén rất nan giải. Từ khi có con đường bê tông, việc đi lại thuận tiện hơn nhiều. Dù đường hơi dốc chút nhưng xe mô tô đã lên được đến tận bản." -người dẫn đường cho chúng tôi nói.

Bản người Mông Pha Đén từng là địa phương có tỷ lệ sinh quá cao khi trung bình mỗi gia đình sinh 5 con trở lên

Càng lên cao nhìn xuống, khung cảnh càng lúc càng mờ ảo, thu hút. Ngồi phía sau xe máy, phóng tầm mắt ra xung quanh, tôi không thể kìm nén những tiếng trầm trồ khi thấy những làn khói "lam chiều" như quyện vào mây vào núi nơi đây. Làn khói bay lên từ những nóc nhà nơi biên viễn mang đến cho tôi dự cảm về một bản làng "ấm no" dù vẫn còn một quãng đường nữa mới đến Pha Đén.

Khi chúng tôi đến nơi, trưởng bản Lâu Văn Đua đã đứng đợi chúng tôi từ khi nào. Ông nở nụ cười sảng khoái để chào đón những vị khách đến từ phương xa. Có thể thấy rõ niềm vui, niềm tự hào không hề giấu diếm của ông khi dẫn chúng tôi đi một vòng xung quanh và kể về những đổi thay của bản làng mình. "Trước thì khổ lắm nhưng mấy năm gần đây, đời sống bà con đã khấm khá hơn nhiều, nhà nào cũng mua được xe máy, tivi. Được thế nên ai ai cũng mừng, lại càng yên tâm phát triển kinh tế".

Nói rồi, ông chỉ tay về phía những mái nhà lợp tôn đang thấp thoáng sau những đồi lúa nương, đẹp tựa như một bức tranh. Khi nghe chúng tôi tấm tắc khen, ông có vẻ hài lòng lắm, nói tiếp: "Trong bản có hộ gia đình anh Lâu Văn Thi là người đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế. Không chỉ có đàn trâu lên đến 15 con, hàng trăm con gia cầm, anh Thi còn có hai ao thả cá mỗi ao rộng 500m2. Nếu thuận lợi thì mỗi năm gia đình anh cũng thu được trên 200 triệu đồng. Chúng tôi đang cố gắng nhân rộng mô hình này".

Chỉ mới 24 tuổi nhưng người phụ nữ Mông này đã làm mẹ của 4 đứa trẻ. 

Bản Pha Đén hiện có 83 hộ người Mông, với 408 nhân khẩu, ở dọc theo con đường mòn dài 4,7km. Người dân nơi đây chủ yếu là tự cấp, tự túc với cây trồng chủ lực là 45 ha lúa nương và 40 ha ngô. Trước năm 2010, số hộ nghèo của bản lên tới 90%, thu nhập đầu người dưới 5 triệu đồng/người/năm. Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt mấy năm trở lại đây, bà con được cán bộ cấp giống ngô lai, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, được bộ đội tuyên truyền phải chăn nuôi nhiều bò, chăm sóc rừng nên tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm xuống dưới 50%, 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi.

Chị Thao Thị Xua - Chủ tịch Hội LHPN xã Pù Nhi, cho biết: "Hội phụ nữ xã đã tổ chức nhiều cuộc vận động, tuyên truyền xuống từng bản làng, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi họp thôn bản. Cán bộ cơ sở còn đến từng nhà để tuyên truyền tới chị em kiến thức bình đẳng giới, sinh đẻ có kế hoạch, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống".

Giới thiệu sự đổi thay của Pà Đén, chị Thao Thị Xua - Chủ tịch Hội LHPN xã Pù Nhi dẫn đường chúng tôi tìm đến ngôi nhà của chị Hơ Thị Kía mà theo như lời chị Xua: "Đây là gương một phụ nữ điển hình của xã trong phát triển kinh tế và tuyên truyền chị em trong bản xóa bỏ hủ tục".

Sau hơn nửa giờ đồng hồ đi qua những con dốc dựng đứng, chúng tôi mới lên tới ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Kía. Bản Pha Đén đã thực sự đổi thay, những ngôi nhà gỗ mới được xây dựng nhiều hơn thay cho những mái nhà lụp sụp được dựng tạm bằng phên nứa trước kia.

Chị Hơ Thị Kía đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu trong ngôi nhà còn thơm mùi gỗ. Sau những phút ngại ngùng lúc đầu, chị trải lòng: "Gia đình mình trước đây cũng nghèo lắm, hai vợ chồng quanh năm bám nương rẫy mà chẳng đủ nuôi 4 đứa con nhỏ. Từ khi được tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt ở xã về, mình đã bàn với chồng vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vì thế mấy năm nay, nhà mình không còn phải lo đói ăn từng bữa như trước nữa".

Chị Kía dẫn tôi đi thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình với mấy trăm con gà, hơn 20 con bò, hơn 10 con lợn và 2 ha rừng xoan. Tôi thực sự khâm phục với ý chí dám nghĩ dám làm và sự siêng năng, chăm chỉ của chị Kía. Bởi ở cái bản vùng biên Pha Đén, không phải người phụ nữ nào cũng có thể làm được như chị.

Chị Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mường Lát cho biết: "Nhằm giúp chị em phụ nữ trên địa bàn huyện phát triển kinh tế nâng cao đời sống, đặc biệt là phụ nữ Mông ở Mông Pha Đén (xã Pù Nhi), Hội LHPN huyện đã chủ động phối hợp với các ban, ngành và thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án do Trung ương Hội triển khai. Theo đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động như phổ biến kiến thức cho phụ nữ về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình; đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, hỗ trợ con giống; triển khai xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả như chăn nuôi bò sinh sản, dê sinh sản, trồng rừng phát triển kinh tế... Từ đó, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về ý chí thoát nghèo và giúp chị em vươn lên làm chủ cuộc sống".

Một góc bản Pha Đén.

Tương lai từ những nụ cười trẻ thơ

Sau khi trò chuyện, trong khi gia đình ông Trưởng bản đang chuẩn bị bữa cơm đãi khách, tôi tranh thủ ra ngoài đi dạo một vòng nữa. Cảnh vật, con người nơi đây thật sự quá hấp dẫn đối với những người dân phố thị như chúng tôi.

Trước nhà Trưởng bản, trong một khu đất nhỏ tầm 30m2, đám trẻ con chân trần, người ướt đẫm mồ hôi đang chạy theo trái bóng tròn. Tiếng cười nói, hò hét náo nhiệt cả một vùng. Xa xa, phía trung tâm của bản, một bãi cỏ rộng được tận dụng để làm sân bóng chuyền. Trong sân, mấy anh thanh niên người Mông khoe thân hình khỏe mạnh trong những động tác ghi điểm dứt khoát trong khi phía bên ngoài, những người đàn ông lớn tuổi hơn ngồi xem cỗ vũ rất nhiệt tình.

Sau thời gian lao động, dường như thú vui mới này đã giúp họ không còn chìm đắm trong men rượu như trước kia nữa. Khi đi trên đường, những người đàn ông mà chúng tôi gặp, hầu như ai cũng có gương mặt sáng sủa, ăn mặc chỉn chu, thần thái tỉnh táo... khác xa hình ảnh những anh chàng gầy gò, đầu tóc bù xù, quần áo lấm lem, đi lại liêu xiêu mà tôi từng thấy ở những bản làng vùng cao khác.

 

Từ những cách làm phù hợp và hiệu quả, Hội LHPN huyện Mường Lát đã xây dựng được các mô hình kinh tế do chị em trực tiếp triển khai. Cụ thể, đã xây dựng được 9 mô hình phát triển kinh tế, 5 tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản; 1 ngân hàng bò; 1 mô hình dệt thổ cẩm; 1 mô hình phát triển chăn nuôi gia súc theo quy mô nông hộ đảm bảo vệ sinh, môi trường; 1 mô hình tổ hợp tác chăn nuôi dê sinh sản...

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đã xây dựng được 3 mô hình chăn nuôi bò, 1 mô hình chăn nuôi dê... Những mô hình này đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia, tạo việc làm ổn định và mở ra hướng phát triển kinh tế lâu dài cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Ấn tượng hơn nữa là khi chúng tôi ghé thăm dãy nhà cấp 4 với 2 phòng học và tổng cộng 30 học sinh của Trường Mầm non xã Pù Nhi khu Pha Đén. Những tiếng đọc ê a của con trẻ vang lên đều đều xen lẫn giọng nói nhẹ nhàng của cô giáo Hà Thị Lượng – người đã dành cả tuổi thanh xuân về gieo con chữ cho trẻ em nơi đây.

Đến giờ nghỉ, những đứa trẻ ùa ra sân chơi đùa, nói cười ríu rít. Nhìn các em dạn dĩ, hồn nhiên, chúng tôi có thể hiểu được những chia sẻ của cô giáo Lượng: "So với 10 năm trước khi lần đầu tiên tôi đặt chân lên với bản Pha Đén, vùng đất này đã, đang đổi thay từng ngày. Những đứa trẻ của tôi bây giờ không còn phải đến trường với cái bụng đói, hay ánh mắt nhút nhát, đầy tự ti nữa! Khó khăn vẫn còn đó nhưng cứ nhìn chúng là tôi lại thêm hy vọng ở một tương lai sẽ ngày tốt đẹp hơn cho bản Pha Đén."

Bản làng Pha Đén hôm nay dù vẫn là vùng đất đó, những con người đó nhưng không chỉ có sự phát triển đi lên về kinh tế mà đời sống tinh thần, hệ ý thức tư tưởng của người dân nơi đây đã có những thay đổi rõ rệt, theo chiều hướng tích cực hơn. Chia tay Pha Đén trong buổi sáng tinh sương, có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cũng như cuộc sống của người dân nơi đây. Hi vọng rằng một ngày gần nhất khi có dịp trở lại, mảnh đất "ngày đến sớm, đêm về muộn" này sẽ ngày càng phát triển hơn mà vẫn giữ được nét đẹp riêng vốn có.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video