Đội quân tóc dài ngày ấy…

18/01/2010
Áo bà ba, mũ tai bèo, khăn rằn quấn cổ - những người mẹ, người chị của Đội quân tóc dài từ cuộc Đồng Khởi năm xưa cùng hội tụ về đây, đúng ngày kỷ niệm tròn 50 năm Đồng Khởi (17-1-2010).

Trong số 160 người họp mặt lần này, có nhiều người chưa được một lần gặp lại đồng đội, kể từ ngày cầm đuốc lá dừa, phất cờ đấu tranh cùng làm nên lịch sử. 50 năm, thời gian đủ dài để những cô gái tuổi đôi mươi ngày nào phai màu tóc, chân bước run run, nhưng câu chuyện về những ngày đấu tranh kiên cường vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi trái tim…

Gắn với phong trào Đồng Khởi năm 1960, sự phát triển của Đội quân tóc dài là sự kiện độc đáo của phong trào cách mạng ở miền Nam, mà điểm bắt đầu từ Bến Tre. Có một điều đặc biệt, danh xưng “Đội quân tóc dài” lại bắt nguồn từ chính sự khiếp sợ của tên đại tá (chỉ huy trưởng cuộc hành quân) Nguyễn Văn Y: “Thôi đành phải chịu thua đội quân đầu tóc”. Đó là ngay sau thắng lợi ngày 17-1, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ đấu tranh chính trị cho phụ nữ, với mục đích lấy nhu thắng cương để tránh thương vong và bảo toàn lực lượng, đồng thời, hỗ trợ bộ đội chủ lực diệt ác, phá kìm kẹp của Mỹ ngụy. Địch đã huy động hơn 10.000 quân đánh vào 3 xã: Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp (Mỏ Cày) với tên gọi “Bình định Kiến Hòa”. Với danh nghĩa “tản cư ngược” để đấu tranh trực diện với ngụy quyền, chị em người khiêng người bị thương, người chở xác chết, mang theo miểng bom, mảnh đạn để làm tang chứng. Lực lượng đấu tranh hơn 200 ghe xuồng từ các ngã đổ về Mỏ Cày rồi kéo đi chật các đường phố của Thị trấn. Trước áp lực của đông đảo quần chúng, cả binh đoàn của địch phải rút lui, bỏ dỡ cuộc hành quân.

Nhiều lần thất bại trước đội quân tóc dài, địch càng dùng nhiều thủ đoạn thâm độc để đối phó. Chúng lấy kéo xông vào cắt tóc của các chị, bắt ngâm nước, phơi nắng, hãm hiếp, truy bức… nhưng những người phụ nữ kiên cường vẫn giữ vẹn kiên trung.

Đớn đau cả thể xác lẫn tinh thần, dù mấy mươi năm trôi qua, giờ nhắc lại, nhói tận tim. Câu chuyện cô Bảy Tranh tham gia trên 300 cuộc đấu tranh bị địch đánh chết đi sống lại, vậy mà vẫn khăng khăng: “Cứ khiêng tôi đi tố cáo nó. Nếu tôi chết cũng đừng vội chôn. Bà con thương tôi thì cứ khiêng xác tôi đi đấu tranh đến cùng, dù rã thây cũng được”. Còn cô gái Nguyễn Thị Đời ngày nào nay đã móm mém, chậm chạp từng bước lên sân khấu để mọi người được nhìn rõ hơn mảng da đầu chẳng thể mọc lại tóc. Là Chỉ huy trưởng đấu tranh chính trị ở Châu Bình (Giồng Trôm), cô Năm Đời nuôi giấu cán bộ, nhiều lần đấu tranh trực diện với kẻ thù và bị giặc bắt tra tấn dã man. Có lần Năm Đời bị buộc phải dẫn về cơ sở cách mạng nhưng cô đã dẫn chúng vào bãi mìn, chấp nhận hy sinh để bảo vệ đồng đội. Địch bị tổn thất nặng, còn Năm Đời thì bị thương. Chúng tức tối túm tóc cô lôi đi khoảng 5 cây số và mảng da đầu bị tróc cho đến tận bây giờ vẫn chẳng có sợi tóc nào mọc lại.

Đó là nỗi đau thể xác, còn nỗi đau tinh thần làm sao nói đủ bằng lời. Bắt bớ, đánh đập, hãm hiếp, càng đau thương, sức chịu đựng bền bỉ, anh hùng, bất khuất của phụ nữ Bến Tre càng thể hiện mạnh mẽ, quyết liệt. Kể lại cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cô Nguyễn Thị Xinh làm cả hội trường gần 500 người lặng phắt. Tham gia cách mạng từ năm 1957, trong quá trình đấu tranh chính trị, nhiều lúc cô phải chuyển lên vùng Sài Gòn Gia Định để tránh bị lộ. Năm 1960, trước ngày Bến Tre Đồng Khởi, cô được phân công trở lại Thạnh Phú để tiếp tục đấu tranh chính trị. Những năm sau đó, cô bị giặc bắt rất nhiều lần, có lần cô bị bắt lúc đang chuyển dạ. Cô kể: Chúng bắt tôi vô khám, đánh rất dã man. Đêm đó tôi đau bụng chuyển dạ dữ dội nhưng nói mãi chúng không chịu tin. Tôi nói nếu đưa tôi đi khám mà không đúng thì bắn tôi. Khi đưa đi khám, y sĩ báo là thai đã chết, chúng mới chịu bỏ tôi ngoài đường. Đêm đó tôi sanh, đứa con bị chết trong bụng vì bị đánh móp cái đầu, tréo quai hàm, mặt mày sưng húp…

160 đại biểu tham dự cuộc họp mặt này đại diện cho trên 280 phụ nữ nguyên là Ban Chỉ huy đấu tranh chính trị của huyện, xã hoặc trực tiếp đấu tranh nhiều lần. Còn số liệu chính thức về đội quân tóc dài thì đó là tất cả những người phụ nữ Bến Tre. Bởi trong cuộc đấu tranh năm xưa, có thể huy động vài chục ngàn chị em cùng xuống đường. Bây giờ, người còn người mất. Theo bà Nguyễn Thị Phương Đào - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Hội cũng đã tổ chức điều tra lại tất cả những người từng tham gia trong Ban Chỉ huy hoặc tham gia nhiều lần để có kế hoạch hỗ trợ, chăm lo cho các cô, các mẹ. Còn cô gái mù Huỳnh Thị Bùi - người từng hơn 100 lần đi đấu tranh trực diện, dùng tiếng đàn tiếng hát của mình để đấu tranh, nói tại buổi họp mặt: “Hòa bình rồi, tôi đã có được ước mơ, đủ ăn đủ mặc, con cái sum vầy, cuộc sống bình yên”.

Từ truyền thống vẻ vang của Đội quân tóc dài, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Phong gửi gắm, luôn tin tưởng các mẹ, các chị vẫn mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay noi theo.

Theo Baodongkhoi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video