Đôi nét về các tổ chức phụ nữ ở New Zealand

06/03/2012
Hiện nay ở New Zealand có nhiều cơ quan, tổ chức và mạng lưới phụ nữ hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ trên các lĩnh vực, trong đó cơ quan quản lý nhà nước chính thức về các vấn đề phụ nữ là Bộ phụ nữ New Zealand.

Ngoài ra còn có các tổ chức và mạng lưới phụ nữ có ảnh hưởng khác như Hội đồng quốc gia phụ nữ New Zealand, Mạng lưới vận động bầu cử của phụ nữ New Zealand, Mạng lưới phụ nữ và chính trị của New Zealand, Trung tâm phụ nữ và lãnh đạo New Zealand...

Dưới đây là một số nét cơ bản về các tổ chức này

Bộ Phụ nữ New Zealand

Bộ phụ nữ New Zealand là cơ quan tham mưu cho chính phủ về những vấn đề liên quan cụ thể đối với phụ nữ New Zealand. Được thành lập năm 1984, Bộ Phụ nữ có quy mô nhỏ nhất ở New Zealand với 35 cán bộ và ngân sách hàng năm khoảng 4,7 tỷ đô. Bộ là một cơ quan chính sách đơn thuần, không phải là tổ chức vận động chính sách. Bộ không cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho cộng đồng cũng như không có chức năng phát triển quốc tế. Bộ hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ, đảm bảo phụ nữ được lựa chọn thực sự và sử dụng thế mạnh của họ để thành công trong xã hội và phát triển kinh tế. Các ưu tiên hiện nay hiện nay của Bộ phụ nữ New Zealand bao gồm:

- Vấn đề lãnh đạo: Bộ tập trung thúc đẩy phụ nữ tham gia lãnh đạo trong khối nhà nước, tác động khối tư nhân và mang đến cơ hội lãnh đạo cho phụ nữ thông qua việc giới thiệu phụ nữ tham gia quản lý trong khu vực nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực còn thiếu lãnh đạo nữ; phối hợp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để tăng cường sự tham gia quản lý của phụ nữ trong khu vực tư nhân.

- Vấn đề bạo lực: Bộ cho rằng phụ nữ cần phải sống khỏe, có năng lực, có khả năng chống đỡ và được an toàn. họ phải được giải thoát khỏi mọi hình thức bạo lực. Do vậy, Bộ cam kết và có ưu tiên cụ thể nhằm đưa ra những chính sách giảm thiểu các vụ bạo lực và ảnh hưởng của bạo lực đối với phụ nữ.

- Vấn đề việc làm: Bộ cam kết cải thiện điều kiện việc làm cho phụ nữ ở New Zealand. Phụ nữ cần được tạo điều kiện để cân bằng giữa công việc và các trách nhiệm khác, ví dụ như gia đình và cộng đồng và phụ nữ cần được khuyến khích để theo đuổi sự nghiệp của mình. Mục tiêu của Bộ Phụ nữ là làm thế nào để phụ nữ có cơ hội phát triển và sử dụng tài năng và kiến thức của mình để tham gia toàn diện trong công việc, gia đình và cộng đồng.

 

Hội đồng Quốc gia Phụ nữ New Zealand (NCWNZ)

Hội đồng Quốc gia Phụ nữ New Zealand được thành lập năm 1896 với mục đích hoạt động vì một xã hội tự do và công bằng ở đó phụ nữ có quyền và trách nhiệm bình đẳng như nam giới. NCWNZ là một tổ chức đại diện cho 50 tổ chức và thành viên quốc gia. Hội đồng có 23 chi nhánh trên cả nước với sự tham gia của đại diện các tổ chức thành viên và 150 tổ chức và cá nhân khác. Chức năng của Hội đồng nhằm phục vụ phụ nữ, gia đình và cộng đồng cấp địa phương, quốc gia và quốc tế thông qua nghiên cứu, thảo luận và hành động.

Nhiệm vụ của NCWNZ là cải thiện chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, gia đình và xã hội. Mặc dù ngày nay, phụ nữ đã được hưởng nhiều cơ hội và lựa chọn hơn các thế hệ trước, nhưng vẫn chưa đạt được bình đẳng một cách toàn diện. NCWNZ tiếp tục phấn đấu để nâng cao địa vị xã hội, pháp lý và kinh tế cho tất cả phụ nữ và cam kết hoạt động vì sự phát triển toàn diện và tự do của phụ nữ, trẻ em và nam giới để họ có thể đóng góp tích cực và hiệu quả vì sự phát triển của xã hội.

Các mục tiêu của NCWNZ bao gồm: Phục vụ phụ nữ, gia đình và cộng đồng cấp địa phương, quốc gia và quốc tế; nghiên cứu nhu cầu của phụ nữ và gia đình; tham gia giáo dục cho phụ nữ nhằm thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ, gia đình và cộng đồng; thu thập và phổ biến thông tin tới cộng đồng; Xây dựng mối liên kết với hội đồng quốc gia phụ nữ của các nước khác thông qua hội đồng phụ nữ quốc tế

 

Mạng lưới vận động bầu cử của Phụ nữ New Zealand (WEL)

Mạng lưới vận động bầu cử của phụ nữ New Zealand là một nhóm vận động độc lập theo chủ nghĩa nam nữ bình quyền, không theo một đảng chính trị nào, hoạt động vì một xã hội ở đó sự tham gia và tiềm năng của phụ nữ không bị hạn chế mà được thừa nhận và tôn trọng, một xã hội ở đó phụ nữ và nam giới cùng chia sẻ trách nhiệm và được thụ hưởng một cách bình đẳng. Mạng lưới vận động phụ nữ bỏ phiếu cho các ứng cử viên hỗ trợ quyền lợi của phụ nữ không kể họ thuộc đảng phái nào. Đồng thời, mạng lưới xây dựng các chính sách đảm bảo vị trí công bằng cho phụ nữ và tác động đến các chính trị gia, đối tác và các nhân vật có quyền lực khác để thực hiện các chính sách này.

Cách thức vận động của mạng lưới là thông qua văn bản và trao đổi trực tiếp với các bộ trưởng, các nghị sỹ quốc hội, cán bộ nhà nước, các tổ chức cộng đồng và giới truyền thông; trình các đề xuất đã được nghiên cứu kỹ lưỡng lên các bộ trưởng, các bộ, ủy ban và cơ quan chức năng; nêu quan điểm của mạng lưới trên đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, thư gửi báo chí và các diễn đàn công cộng; tổ chức hội thảo, hội nghị và tập huấn.

 

Mạng lưới Phụ ữ và Chính trị New Zealand

Đây là mạng lưới thúc đẩy trao đổi về chính trị và các chính sách công giữa những phụ nữ quan tâm, đặc biệt những người tham gia giảng dạy, nghiên cứu và tham gia tích cực trong các vấn đề về phụ nữ.

Mạng lưới là nguồn cung cấp các tin, bài, ý kiến trao đổi xoay quanh vấn đề phụ nữ và hoạt động chính trị trong hơn 10 năm qua.

 

Trung tâm Phụ nữ và lãnh đạo New Zealand

Trung tâm phụ nữ và lãnh đạo New Zealand là sáng kiến của trường Đại học Massey với nhiệm vụ thúc đẩy các cơ hội lãnh đạo cho phụ nữ thông qua giáo dục, nghiên cứu, tham vấn và hoạt động cộng đồng. Trung tâm có mối quan hệ với ngành công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, khối nhà nước và sử dụng chuyên môn của các chuyên gia địa phương cũng như thu hút các diễn giả và nhà nghiên cứu quốc tế tham gia vào các chương trình của họ. trung tâm hoạt động như một diễn đàn trao đổi độc lập, điều phối các đề tài nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, tập huấn ngắn hạn và tổ chức các buổi thuyết trình trước công chúng.

Hoạt động của trung tâm tập trung vào vấn đề phụ nữ tham gia quản lý và kinh doanh, phụ nữ cao học, nữ chủ doanh nghiệp, giám đốc nữ, lãnh đạo nữ của Chính quyền trung ương và địa phương và các tổ chức cộng đồng.

Theo TTPN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video