Điều tra toàn diện đầu tiên về các nữ doanh nhân VN: Tăng cường quyền năng kinh tế cho doanh nghiệp nữ

04/11/2005
Phỏng vấn bà Nguyễn Phương Quỳnh Trang - Giám đốc Chương trình Môi trường kinh doanh IFC-MPDF.

- Thưa bà, tại sao cuộc điều tra mà MPDF vừa tiến hành được coi là cuộc điều tra đầu tiên thuộc loại này được tổ chức tại VN?


Cuộc khảo sát này là nỗ lực chung của Chương trình Phát triển Kinh tế Tư nhân MPDF và Bộ phận Giới - Doanh nghiệp - Thị trường (GEM), hai dự án của Cty Tài chính quốc tế. Đây là một khảo sát toàn diện đầu tiên về doanh nhân nữ ở VN. Mục tiêu của khảo sát này là tìm hiểu thêm về những thách thức và khó khăn nữ doanh nhân đang gặp phải trong quá trình phát triển DN mình. Chúng tôi cũng thu thập các đề xuất về chính sách và hỗ trợ cần thiết dành cho khối DN nữ ở VN, đặc biệt trong bối cảnh VN đang xây dựng khung pháp luật về bình đẳng giới và chính sách về phát triển doanh nghiệp nữ.


- Điều gì khiến bà tâm đắc nhất hay trăn trở qua cuộc điều tra, thưa bà?


Cuộc điều tra này được thực hiện trên những DN do nữ làm chủ có quy mô tương đối lớn và đã có mặt trên thị trường một thời gian tương đối lâu. Hầu hết các DN này đã được thành lập hơn 5 năm - 39% là trên 10 năm. DN họ trung bình thuê khoảng 68 nhân viên hợp đồng dài hạn và 25 nhân viên thời vụ. Phần lớn trong số họ (63%) đều sử dụng nhà mình làm nơi hoạt động của doanh nghiệp, 62% có doanh thu trên 1 tỷ VND và khoảng 21% có doanh thu trên 10 tỷ VND.


Các chủ DN nữ nói chung tỏ ra lạc quan về sự phát triển của DN mình trong vòng hai năm tới. Tuy nhiên mức độ lạc quan này lại thấp hơn so với mức độ lạc quan họ dành cho sự phát triển của cả nền kinh tế. Phát hiện này có vẻ hơi khác so với các khảo sát về DN trên thế giới.Đây có thể là dấu hiệu cho thấy nhiều chủ DN nữ ở VN vẫn còn cảm thấy có những trở ngại khiến họ không thể phát huy hết tiềm năng của mình, do các chính sách chưa quan tâm cụ thể đến DN nữ.


- Các DN nữ phải đương đầu với những rào cản nào trong kinh doanh, thưa bà?


Các chủ DN nữ cho biết vẫn còn những thách thức ảnh hưởng đến hoạt động điều hành kinh doanh của họ. Bên cạnh những thách thức chung như thiếu cơ hội được đào tạo bài bản về các kỹ năng điều hành DN, hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn và kỹ năng quản lý nguồn vốn, tiếp cận các thị trường mới, khó khăn trong việc tìm kiếm và giữ lao động giỏi và còn tồn tại các quy định pháp luật và chính sách cản trở sự phát triển DN, thì vẫn còn những thách thức của riêng giới nữ. Ví dụ như làm thế nào để cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc và việc tham gia vào các mạng lưới kinh doanh để giao lưu chia sẻ kinh nghiệm và phát triển kinh doanh với những chủ DN khác.


- Thưa bà,Luật Bình đẳng giới cần phải chú trọng đến điều gì để tạo nên động lực thúc đẩy khối doanh nhân nữ phát triển? Ngoài ra, theo bà, sẽ phải khắc phục những rào cản này như thế nào?


Chúng tôi đã đề xuất với Tổ Soạn thảo Luật Bình đẳng giới là luật cần phải đưa ra những biện pháp cụ thể để tăng cường quyền năng kinh tế cho người phụ nữ (đặc biệt là phần 2 của chương 2 khi bàn về bình đẳng giới trong kinh tế). Tuy nhiên chúng tôi cho rằng ngoài luật ra, cũng cần có những biện pháp khác để hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là những chương trình đào tạo về kỹ năng kinh doanh dành riêng cho phụ nữ. Những ưu tiên khác trong hỗ trợ chính sách có thể là tiếp cận vốn và tiếp cận thị trường mới.


Tuy nhiên, luật pháp và chính sách chỉ giải quyết được phần nào những thách thức đó. Theo kinh nghiệm của các nước khác, cần có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân (tổ chức phi chính phủ, tổ chức hỗ trợ DN, các tập đoàn lớn) và cả cộng đồng DN nữ - DN và hiệp hội DN. Ngoài ra, cần cập nhật các số liệu thống kê về DN nữ - một công cụ quan trọng trong quá trình vận động chính sách cho họ - khảo sát mà chúng tôi vừa thực hiện cũng nhằm góp phần vào nỗ lực chung này.


- Xin cảm ơn bà.


Lưu Hương
thực hiện

Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video