Điện Biên: Nữ cán bộ dân số tích cực nâng cao nhận thức sức khỏe sinh sản cho người dân vùng cao

14/01/2022
Chị Tòng Thị Hiền (sinh năm 1988) - cán bộ dân số Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên là một trong những cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc và được nhiều người tin tưởng. Chị cũng vừa đạt giải 3 cuộc thi “Thử thách làm tuyên truyền viên dân số” do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức.
Chị Tòng Thị Hiền, cán bộ dân số Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên

Năm 2021, chị Hiền được giao nhiệm vụ làm cán bộ phòng Dân số tại Trung tâm Y tế huyện. Trong suốt quá trình công tác, chị luôn hăng hái, nhiệt tình tham gia đầy đủ các phong trào thi đua, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ). Chị đã có những phương pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả, thu hút sự chú ý của cộng đồng tại địa phương để thực hiện tốt các chính sách DSKHHGĐ. Đồng thời, chị còn nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để kịp thời sẻ chia, giúp đỡ.

Mường Chà là huyện miền núi, biên giới, nằm ở phía Bắc tỉnh Điện Biên, dân cư phân bố không đồng đều, mật độ thưa, giao thông đi lại khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao, chiếm 54,44%, số người dân ý thức tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo còn hạn chế. Phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại. Trình độ dân trí của đại đa số dân tộc thiểu số còn thấp dẫn đến nhận thức về chăm sóc sức khỏe còn nhiều bất cập. Nhiều gia đình vẫn để sản phụ sinh con tại nhà, khi mắc bệnh thì nhờ đến thầy cúng trước, đến khi bệnh trở nặng mới đưa bệnh nhân đến viện.

Chị Hiền và đồng nghiệp đến tư vấn tại nhà cho đồng bào về công tác dân số

Bất đồng ngôn ngữ trong công tác truyền cũng là một rào cản đối với người làm công tác dân số như chị Hiền. Chị cho biết: "Ở đây, phong tục tập quán còn nhiều hủ tục, trọng nam khinh nữ. Một số gia đình đã ký cam kết không sinh con thứ 3 nhưng sau vài năm lại tiếp tục sinh, trong khi kinh tế hộ gia đình còn khó khăn, thậm chí là nghèo và cận nghèo. Chính vì vậy người làm công tác dân số phải rất kiên trì vận động và bám sát địa bàn. Hiện nay chúng tôi đang tập trung tuyên truyền về DSKHHGĐ cho các đối tượng vị thành niên, thanh niên ở các bản, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn. Trước đây, phụ nữ là đối tượng chính trong công tác vận động các biện pháp KHHGĐ, thì nay, các buổi tuyên truyền tập trung vào nam giới nhiều hơn".

Chị Hiền tư vấn sức khỏe sinh sản cho bà mẹ sau sinh

Không chỉ đi khắp các nẻo đường núi để tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chính sách DSKHHGĐ, chị Tòng Thị Hiền còn chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo công tác dân số huyện để tuyên truyền và phối hợp lồng ghép tuyên truyền với các ban, ngành, đoàn thể như Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... để người dân thực hiện tốt chính sách DSKHHGĐ.

"Tôi mong bằng sự cố gắng của bản thân và đồng nghiệp, chúng tôi sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, giảm tỷ lệ tảo hôn ở những vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao. Tôi muốn chia sẻ với các cặp vợ chồng, hãy sống chủ động, có trách nhiệm và trang bị đầy đủ kiến thức về KHHGĐ. Chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, nhận được đầy đủ cơ hội học tập và phát triển toàn diện", chị Hiền chia sẻ.

Thời gian qua, chị Hiền đã tham gia cùng Trung tâm Y tế huyện tổ chức 440 buổi sinh hoạt câu lạc bộ với 11.000 lượt nghe, tuyên truyền qua loa phát thanh 221 lần, tư vấn trực tiếp về DSKHHGĐ với 860 lượt nghe, cấp phát hàng nghìn tờ rơi, treo băng rôn nhân các sự kiện về dân số, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo về DSKHHGĐ.

Với những thành tích đóng góp cho công tác DSKHHGĐ của huyện Mường Chà nói riêng và của tỉnh Điện Biên nói chung, chị đã nhận được sự tin yêu của người dân và sự đánh giá cao của các cấp lãnh đạo.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video