Điểm tựa thoát nghèo Phan Thị Tám

09/02/2011
Trong Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ nghèo vượt khó thành lập hồi giữa năm 2010 ở Đại Lộc (Quảng Nam), người nào cũng nghèo, trừ chủ nhiệm. Khi vợ làm thủ lĩnh để suốt ngày lo chuyện thoát nghèo của hội viên, “hậu phương” đã thuộc về người chồng.

Hành trình tìm hội viên

CLB Phụ nữ nghèo vượt khó ở Đại Thạnh vẫn thường được gọi bằng cụm từ gọn hơn - CLB vượt khó - vì hội viên nào cũng là phụ nữ  nghèo. Chủ nhiệm CLB, chị Phan Thị Tám, giải thích cặn kẽ hơn: “Lúc đầu chưa có ý tưởng gì đâu. Nhưng thấy ai cũng nghèo, làm nông thiếu trước hụt sau, nên mình đứng ra giúp. Phải đi tìm việc cho họ!”.

Nữ chủ nhiệm sinh năm 1969 này lặng lẽ làm phần việc của mình. Cơ ngơi thuộc hàng khá giả tại địa phương, chị cũng ưa làm việc thiện. Dự định làm mây tre từ 5 năm trước, nhưng mãi đến khi về quê chồng Điện Thọ (Điện Bàn) liên hệ với HTX Thương mại Điện Thọ, lúc ấy mới tìm thấy sự đồng thuận. Để rồi đến đầu năm 2010, chương trình mây tre đan kéo dài 3 tháng do Trung tâm Dạy nghề & xúc tiến việc làm (Liên minh HTX tỉnh) và HTX Thương mại Điện Thọ giảng dạy, 30 phụ nữ nghèo của Đại Thạnh mới được đào tạo nghề mới. Lúc ấy, cứ tầm 8 giờ sáng, các học viên xong buổi chợ sáng trên đường về ghé ngang trường mẫu giáo mượn tạm (cạnh nhà chị Tám) để… học nghề.

Chuyện tưởng đơn giản, nhưng không chỉ có vậy. Tìm được việc đã khó, tìm người theo học nghề càng khó hơn. Những ngày đầu đi vận động cùng chị Chủ tịch Hội LHPN xã thật cực nhọc. Chị em cứ hỏi ngược: “Vô CLB thì tui được lợi cái chi?”. Giải thích, ưng thuận rồi ký cam kết, cứ thế họp thêm nhiều phiên nữa để giải thích kỹ hơn về mục đích thành lập CLB, để bàn quy chế hoạt động và chính thức ra mắt CLB…

“Điểm tựa” 

Chỉ vài tháng cho một nghề mới, những phụ nữ nghèo miền núi còn nhiều bỡ ngỡ. Tay nghề chưa thật vững, nhưng những mặt hàng (hàng tấm, hàng ghế) theo đơn đặt hàng của HTX Thương mại Điện Thọ vẫn đều đặn hoàn thiện. Nguyên liệu cũng chuyển từ Điện Thọ lên. Cứ mỗi bộ hàng tấm (mây tre đan), người lao động nhận được 14 nghìn đồng. Vậy mà có trường hợp làm đến 5 bộ mỗi ngày.

Có thu nhập thêm, cuộc sống của những gia đình phụ nữ nghèo thoải mái hơn. Hàng loạt thay đổi trong số phận các chị thường xuyên đau ốm, không chồng hoặc có con nhỏ…, như Trương Thị N., Trương Thị T. Ngược lại với giai đoạn đầu phải đi gõ cửa thuyết phục từng nhà, giờ mô hình CLB trở nên rất hấp dẫn trong mắt chị em, người ở nhiều thôn khác cũng xin gia nhập. Điều gây ngạc nhiên không phải là khoản thu nhập, mà chính là nhờ việc làm giúp giảm… tệ nạn. “Ngày trước, các ông chồng rảnh rỗi thì chỉ biết đánh bài, chơi số đề hay gây gổ đánh nhau. Giờ nhận hàng mang về nhà, nhiều ông xúm vô làm giúp vợ, có thêm đồng ra đồng vào” - một chị tâm sự. Chưa bao giờ việc tạo nghề lại cần đến như thế ở vùng về nghèo này. Thậm chí, chị Tám quả quyết: “Nếu không có mây tre, tôi sẽ tìm ngành nghề khác cho chị em, chứ quyết không bỏ cuộc!”.

Điểm tựa thoát nghèo mang tên Phan Thị Tám và CLB Phụ nữ nghèo vượt khó càng thêm “vững chãi”, khi chị chủ nhiệm tiết lộ với chúng tôi rằng đang có dự định gom một đầu mối đối với làng nghề làm bánh tráng trên toàn xã cho lứa tuổi 30 - 40 kể từ tháng 1.2011, để tạo nguồn thu mua ổn định. Một nghề khác, gia công giày da, dành cho lứa tuổi 18 - 25 cũng đang manh nha…

Đời thường và “quyền lực”

Gia đình chủ nhiệm Phan Thị Tám thuộc diện giàu có ở quê. Nhà giàu, nên cô bé Tám có sẵn đức tính “ham” làm từ thiện từ năm lên 8 - 9 tuổi. Chuyện là, thời ấy cô bé đã biết cách chôn tiền dưới bụi tre, cả đồ ăn cũng để dành đấy, mỗi khi các chiến sĩ giải phóng vào làng thì mang cho. Bây giờ, chị vẫn có “thói quen” giữ riêng con heo nhựa, ngày nào cũng bỏ tiền vào đó, đến dịp Quốc tế Thiếu nhi (1.6) là lấy ra mua quà cho trẻ em. “Vợ lo làm từ thiện, làm chuyện xã hội, dồn hết chuyện nhà cho chồng. Có khi mình đi làm từ thiện vô đến miền Nam… Chồng nhiều lúc thấy vợ cực quá, khuyên nghỉ. Nếu không có chồng lo việc nhà, chắc là mình khó làm từ thiện. Chồng như hậu phương lớn” - chị tâm sự.

Đôi khi chị tìm thấy niềm vui trong sự bận rộn. Có thể từ công việc quản lý hằng ngày, lo kiểm nguyên liệu, nhập hàng, ghi chép, theo dõi tiến độ và đáp ứng những đòi hỏi của hội viên kiểu như “chị ơi, thiếu mây tre!” hay “chị ơi, em cần ít tiền”… Cũng có thể niềm vui từ những lần sinh hoạt định kỳ của CLB. Mỗi tháng, họ chọn tối 16 âm lịch để họp, đơn giản đêm ấy trăng sáng, chị em các thôn kéo về đỡ phải gặp cảnh… rớt xuống ruộng vì đường sá quanh co chật hẹp. Họp toàn những nội dung của phụ nữ, nhưng đôi khi các ông chồng cũng đi thay, vì có nội dung góp vốn quay vòng với mức 100 nghìn đồng/người/tháng. Họ cũng thảo luận chuyện góp “quỹ thăm hỏi”, về tình hình gia công sản phẩm mây tre…

“Quản lý chị em không khó!” - chị Phan Thị Tám quả quyết dù chị gầy dựng nên CLB chỉ xuất phát từ ý tưởng và sự nhiệt thành - “Không việc gì phải la hét, mà chỉ vận động và vận động. Cứ dựa theo quy chế soạn sẵn để mà làm”. Có lẽ tiêu chí lớn nhất ở CLB này là thoát nghèo, nên “quyền lực” của nữ chủ nhiệm này cũng được ghép chung với hai chữ: trách nhiệm.

Theo baoquangnam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video