Địa phương là cấp đầu tiên cần có biện pháp cụ thể thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

13/10/2021
Vừa qua, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam (20 Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) đã diễn ra phiên hội thảo ca 1031H (ký hiệu tên viết tắt của chị H) là nạn nhân của bạo lực gia đình đã được diễn ra trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của trên 30 đại biểu.
Chia sẻ tại Hội thảo, Chị H mong được hỗ trợ ly hôn an toàn, các con chị được đi học đầy và được hưởng quyền chính đáng như những đứa trẻ khác

Các đại biểu là đại diện của Hội LHPN – địa phương chị H sinh sống; thành viên tổ phản ứng nhanh về phòng chống bạo lực gia đình của Hội LHPN Việt Nam, các luật sư hỗ trợ pháp lý của Ngôi nhà Bình Yên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội thuộc Sở Tư pháp, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp, Vụ Bình đẳng giới – Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UNICEF Việt Nam.

Ca 1031H được coi là một ca điển hình bị bạo lực về cả 4 hình thức thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế nghiêm trọng. Với mức độ nghiêm trọng và tần suất bị bạo lực thường xuyên mà đỉnh điểm là đợt bị đánh và nhốt 3 ngày, chị H đã đến xin tạm lánh tại Ngôi nhà Bình Yên vào tháng 4/2021. Tại Hội thảo ca, chị H nghẹn ngào kể lại về những trận đòn roi nhiều đến mức “không nhớ nổi”. Chị H cho biết, từ bỏ công việc để về nhà phụ chồng làm ăn, chị không những không được ghi nhận mà còn bị chồng coi là “kẻ ăn bám”,  bị kiểm soát, bị bạo lực, đe dọa đến tính mạng. Bốn đứa con của chị, đứa thì phải thuê nhà ở riêng, đứa không được đi học chỉ vì “bố không muốn” và phải làm theo lời bố. Chị H giờ chỉ mong được hỗ trợ ly hôn an toàn, các con chị được đi học đầy và được hưởng quyền chính đáng như những đứa trẻ khác.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Dương Thị Ngọc Linh – Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nhân mạnh vai trò quan trọng của các cấp, ngành và các đơn vị hỗ trợ trong việc phối hợp giải quyết bạo lực gia đình

 

Bàn về trường hợp của chị H cũng như các trường hợp bị bạo lực khác tại địa phương, các đại biểu tham gia Hội thảo đã nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương trong giải quyết vụ việc bạo lực và sự cần thiết phải có phương án bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em. Theo đó, vai trò của chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong giải quyết bạo lực, thái độ và nhận định của cán bộ trực tiếp giải quyết vụ việc ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nạn nhân, đặc biệt sẽ quyết định việc giải quyết bạo lực có triệt để để bảo vệ sự an toàn, quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em hay không.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình kèm Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2016 đã chỉ rõ trách nhiệm của các bên liên quan về nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình; tư vấn, hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình; đặc biệt là việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình;...

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng thảo luận và nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương trong giải quyết vụ việc bạo lực, có phương án bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em

 

Chính vì vậy, từ hội thảo ca 1031H, các đại biểu đồng tình cho rằng: để tránh rơi vào tình trạng “Người gây bạo lực trở thành đúng và người bị bạo lực, yếu thế lại trở thành người sai” thì ngay từ cấp địa phương cần phải có nhận định rõ ràng trong giải quyết bạo lực gia đình. Thay vì tìm cách đổ lỗi, phán xét nạn nhân, địa phương chính là cấp đầu tiên cần có biện pháp cụ thể thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video