Đề xuất quy định bảo vệ thai sản tốt hơn cho lao động nữ

23/10/2019
Hôm nay, ngày 23/10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới vấn đề làm thêm giờ ảnh hưởng tới lao động nữ, lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ.

Tại điều 137 về Bảo vệ thai sản quy định người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động đang mang thai trong một số trường hợp như làm ban đêm, làm thêm giờ. Tuy nhiên, theo một số đại biểu thì quy định này vẫn chưa đầy đủ, chưa đảm bảo được mục tiêu bảo vệ thai sản cũng như sức khỏe và sự an toàn cho lao động nữ.

Đại biểu Phạm Như Hiệp, đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Theo quy định tại mục a khoản 1 Điều 137 của dự thảo luật chỉ quy định “người sử dụng lao động không được sử dụng lao động làm việc vào ban đêm đối với phụ nữ mang thai tháng thứ bảy hoặc từ tháng thứ sáu nếu làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.

Theo ông Hiệp, đối với phụ nữ mang thai những tháng cuối rất quan trọng, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà có khi ở thành phố công việc nặng nhọc không kém và cũng cần bảo vệ thai sản. Ví dụ, ở thành phố tại các bệnh viện lớn phụ nữ vẫn phải làm việc ban đêm, thậm chí là vất vả hơn hoặc những công nhân làm việc ở khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp thì thời gian làm việc căng thẳng hơn ở những vùng sâu, vùng xa. “Do đó, cần quy định trong dự thảo là 6 tháng chung cho tất cả các phụ nữ mang thai, đây cũng là đảm bảo tính công bằng”, ông Hiệp đề xuất.

Tại hội trường, nhiều đại biểu cũng phân tích rõ việc kéo dài thời gian làm việc không giúp tăng năng suất lao động mà còn tạo ra những tác động không nhỏ tới đời sống của người lao động, đặc biệt là người có con nhỏ. Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, cho biết: Nhiều cuộc khảo sát, điều tra đời sống của công nhân lao động, công đoàn cho thấy rõ ảnh hưởng xấu của thời gian làm việc kéo dài dẫn đến cuộc sống của người lao động khó khăn, đặc biệt là người có con nhỏ và cho tương lai con cái của họ.

Trong khi đó, theo ông Vượt, tiền lương làm thêm giờ đối với phần lớn người lao động không đủ bù đắp các chi phí xã hội như thuê người đón con, trông con ngoài giờ, thời gian làm việc dài hơn, dẫn đến năng suất lao động thấp hơn. Trong khi đó, việc làm ít giờ sẽ giúp năng suất cao.

Qua khảo sát ở 7 doanh nghiệp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp này duy trì chế độ làm việc 40-44 giờ/tuần thấy năng suất, hiệu quả lao động không bị ảnh hưởng, có 3 doanh nghiệp năng suất còn cao hơn, người lao động gắn bó và tin tưởng hơn với doanh nghiệp.

“Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột, tranh chấp, ngừng việc và đình công gây thiệt hại không nhỏ. Việc tăng khung giờ thoả thuận về giờ làm thêm dẫn đến việc sử dụng lao động hạn chế cũng là tác nhân dư thừa lao động, tạo ra thất nghiệp hoặc chảy máu chất xám, sinh viên và nhiều người giỏi làm việc tại nước ngoài”, ông Vượt bày tỏ.

 Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm về thời gian làm việc bình thường quy định tại Điều 105 nên giảm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần. Cũng trong phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu tập trung góp ý vào các vấn đề quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau như vấn đề tuổi nghỉ hưu, ngày nghỉ lễ trong năm, vấn đề việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động; hợp đồng lao động; thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động...

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video