Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu cả nam và nữ lên 62

20/09/2016
Sau 3 năm thi hành Bộ luật Lao động, nhiều ý kiến tiếp tục trung đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nữ và nam ngang bằng nhau, nhằm đẳm bảo bình đẳng giới và sử dụng nguồn lực lao động.

Bên lề Hội nghị tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động ngày 8/9/2016, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng, nước ta đang trong hai quá trình đan xen giữa dân số vàng và già hóa dân số. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cần được nghiên cứu, xem xét toàn diện và hài hòa để đề xuất với Quốc hội xem xét, thảo luận ở kỳ họp thứ 3 tới. Theo ông Huân, Luật hiện hành quy định về tuổi nghỉ hưu (tại Điều 187) “chưa có thay đổi”, nữ nghỉ hưu ở tuổi 55, nam ở tuổi 60.

Trao đổi với PNVN, ông Phạm Minh Huân cho biết, đã đến lúc phải tiến tới ngang bằng giữa nam và nữ về tuổi hưu. Tuy nhiên, phương án kéo dài tuổi hưu vẫn “chưa định hình tăng thế nào” và có lộ trình trong bao lâu cần phải tính toán cụ thể theo hướng điều chỉnh tăng vài tháng/năm trong thời gian từ 5 đến 10 năm, để có sự ngang bằng, bình đẳng về tuổi hưu.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lao động xã hội, cho rằng: “Thời gian tới, nên kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 62 tuổi với cả nam và nữ, luật hóa là phải bình đẳng”, kèm theo lộ trình tăng hợp lý. Đồng thời, “quy định trong luật không nên quá cứng nhắc”, mà có sự linh hoạt để người lao động có quyền được lựa chọn. Ông nêu ví dụ: nam nữ đến 62 tuổi nghỉ hưu, nhưng có cho phép ở khung độ tuổi từ 55 trở đi, người lao động có quyền lựa chọn nghỉ. Như vậy sẽ giải quyết được vấn đề về quyền của người lao động và vấn đề thực tiễn đang diễn ra.

Kiến nghị tăng chính sách ưu tiên lao động nữ

Qua 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động, theo ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), với lao động nữ, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp hạn chế sử dụng vì chi phí tăng cao do phải thực hiện các chế độ, chính sách với lao động nữ. Đại diện Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị cần có nhiều chính sách ưu tiên hơn đối với tuyển dụng lao động nữ trong doanh nghiệp và chính sách ưu đãi với doanh nghiệp sử dụng lao động nữ. Đề nghị bổ sung hướng dẫn về mức hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ.

Kiến nghị sửa đổi một số quy định liên quan lao động nữ, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ Lao động Việt Nam, cho rằng: Cần đảm bảo hơn việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản. Ông Quảng nêu ra trường hợp lao động nữ sau khi nghỉ thai sản không được trở lại làm công việc cũ. Chủ sử dụng lao động bố trí người khác làm thay và lập luận rằng: “Việc làm cũ không còn”. Ông Quảng kiến nghị cần phải giải thích rõ “trường hợp việc làm cũ không còn” để tránh tình trạng hiểu và thực hiện không đúng, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Theo PVH - Báo phụ nữ Việt Nam (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video