Đề xuất chính sách mang tính dài hơi hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương

04/06/2020
Ngày 02/6/2020, tại Hải Dương, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức hội thảo truyền thông vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về và gia đình của họ” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.

Tham dự hội thảo có bà Bùi Thị Hoà – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Lương Văn Cầu – Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cùng 50 đại biểu là đại diện các sở, ngành tỉnh Hải Dương (Mặt trận Tổ quốc, Hội LHPN, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an, Toà án nhân dân, Hội Luật gia) và các đại biểu một số huyện, xã trên địa bàn.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo phân tích, cùng với sự phát triển, giao thương của xã hội, toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, di cư trong nước và quốc tế có xu hướng gia tăng. Bên cạnh những điểm tích cực của di cư giúp cho người lao động có thêm việc làm, nguồn thu nhập, trau dồi và cập nhật các kỹ năng công việc, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương, đất nước thì di cư trong nước và quốc tế cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết ở các cấp độ khác nhau, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Theo số liệu thống kê, hàng năm, Việt Nam có khoảng trên 500.000 người di cư ra nước ngoài lao động, trong đó, lao động nữ chiếm khoảng trên 30% tùy theo thị trường và giai đoạn. Mỗi năm, có hàng chục nghìn công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó, trên 90% là phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều người khi trở về Việt Nam gặp khó khăn, có người thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì họ không có môi trường hoặc cơ hội để áp dụng kỹ năng và kinh nghiệm đã học từ nước ngoài.

Phân tích từ một nghiên cứu về tình hình của phụ nữ Việt Nam di cư kết hôn hồi hương và con cái của họ năm 2017 cho thấy, khoảng 50% phụ nữ kết hôn di cư khi trở về Việt Nam sẽ định cư ở nơi khác không phải quê hương họ do thiếu cơ hội việc làm, kỳ thị hoặc định kiến gia đình/xã hội. Tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm và các khó khăn khác như thiếu tư vấn về pháp lý, tâm lý để người di cư hồi hương có thể giải quyết các vấn đề của mình và con cái của họ có thể đẩy họ trở lại nghèo đói, tổn thương nếu không có sự can thiệp và hỗ trợ thích đáng.

Hội thảo truyền thông vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ được tổ chức nhằm xác định những khó khăn của phụ nữ di cư hồi hương; những thách thức trong quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhóm phụ nữ này, trọng tâm là thảo luận về cơ chế/cách thức phối hợp và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành liên quan trong quá trình vận hành Văn phòng dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương (Văn phòng OSSO).

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận sâu và đưa ra một số nội dung nhằm khuyến nghị về: Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, các nhà cung cấp dịch vụ trong quá trình vận hành Văn phòng OSSO; Thuận lợi và khó khăn trong quá trình thành lập và vận hành Văn phòng OSSO; Các dịch vụ được cung cấp tại Văn phòng OSSO và các nhà cung cấp dịch vụ tiềm năng;  Việc quảng bá, truyền thông và tiếp cận Văn phòng OSSO.

Hội thảo chia nhóm thảo luận xác định các vấn đề về phụ nữ di cư hồi hương

Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Văn Cầu đánh giá cao hoạt động của dự án cũng như nội dung của hội thảo và cho rằng, việc thành lập và vận hành Văn phòng OSSO hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhất là với nhóm phụ nữ di cư kết hôn trở về.

Bà Bùi Thị Hoà, Phó Chủ tịch Hội LHPN cho rằng, các khó khăn mà phụ nữ di cư hồi hương gặp phải có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, cần sự tham gia giải quyết của nhiều ngành, nhiều cấp. Nhận diện rõ các vấn đề đang đặt ra và vai trò của các ngành trong giải quyết vấn đề là quan trọng, trong đó, bao gồm cả các giải pháp về thể chế, năng lực cũng như các dịch vụ xã hội dành cho nhóm đối tượng này. Phó Chủ tịch Hội nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của một cơ chế liên ngành trong hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ thông qua Văn phòng OSSO, nhằm đảm bảo phụ nữ Việt Nam di cư trở về có đủ các điều kiện để tái hoà nhập bền vững.

Sau tỉnh Hải Dương, hội thảo sẽ tiếp tục được tổ chức tại Hải Phòng, Cần Thơ, Hậu Giang và Hà Nội. Từ kết quả của các hội thảo, ngoài việc tập trung xây dựng và vận hành Văn phòng OSSO, Hội LHPN cùng với các cơ quan liên quan sẽ xây dựng, đề xuất các chính sách dài hơi nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ.

Vi Phương, Ban Chính sách - Luật pháp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video