Để sự tử tế được lan tỏa

18/08/2016
Tại TPHCM đang có một hoạt động khiến nhiều người phải chú ý, đó là các “Phiên chợ xanh - tử tế” được tổ chức định kỳ mỗi tháng 2 phiên (mỗi phiên 2 ngày thứ 7 và chủ nhật tuần đầu và tuần thứ 3 trong tháng). Nơi này chuyên bán các loại nông sản, thực phẩm sạch, với thông tin về sản phẩm được minh bạch. Nhiều người sau một vòng “dạo chợ” đã phải thốt lên: “Thế mới đúng là tử tế!”.

Không to lớn, cũng chẳng sang trọng, “khu chợ” ấy có hình thức giống như một khu thương xá “thời cũ” với những quầy, sạp đơn sơ. Những sản phẩm được mua bán ở đó chỉ là những mớ rau, bịch gạo… nhưng là rau sạch Bến Tre, gạo Long Châu 66 từ doanh nghiệp Cỏ May, nước mắm rươi Long Vinh từ Trà Vinh, nấm Ngọc Thạch từ trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đặc sản từ nhiều làng nghề truyền thống khu vực đồng bằng sông Cửu Long…Những người bán hàng luôn nhỏ nhẹ, lịch sự, luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của người mua với sự chân tình hiếm thấy.

Đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến “Phiên chợ xanh - tử tế” tổ chức vào ngày 6/8 vừa qua tại 163 Pasteur, phường 6, quận 3, TPHCM. Địa chỉ này chính là trụ sở của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), đơn vị xây dựng chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao uy tín nhiều năm qua. Đây là nơi mà người tiêu dùng có thể mua rau sạch, gạo sạch, cũng có thể tìm thấy những thông tin minh bạch về nguồn gốc nông sản, đồng thời có thể kết nối trực tiếp với người sản xuất…Đó là những chức năng chính của phiên chợ được tổ chức lần đầu tiên từ giữa tháng 4/2016.

Lý giải về cụm từ “tử tế” gắn với phiên chợ, một thành viên Ban tổ chức cho biết: “Trước hết, đây là nơi tạo điều kiện cho những người nông dân làm ra nông sản có thể sống tử tế với nghề. Người tiêu dùng có thể tìm mua những sản phẩm đáng tin cậy trong một môi trường tử tế. Không gian nơi này cũng được bao trùm trong sự tử tế, mọi người đối xử với nhau nhân ái, chân tình và trung thực. Cả người bán lẫn người mua đều tử tế với nhau”.

Vì thế, một trong những đặc điểm mang tính cốt yếu trong hoạt động mua bán ở đây, đó là sự đề cao “lòng tin”: rất nhiều người sẵn sàng mua một lượng rau hữu cơ lớn đủ dùng cho cả tuần nhưng hỏi họ “có gì đảm bảo đây là rau hữu cơ?” thì họ chỉ cười: “Vì tôi tin đây là nơi tử tế!”.

Để có lòng tin vô cùng quý giá (và cũng khá hiếm hoi trong bối cảnh hiện nay), trước hết cần đến uy tín của nhà tổ chức. Hơn nữa, thông tin về các dự án rau hữu cơ cũng rất minh bạch, đầy đủ, được in rõ trên bao bì, bao gồm thông tin về nhóm phụ trách, tên và số điện thoại của nhóm trưởng; tên và số điện thoại của người sản xuất. Thậm chí, cả người nông dân, chủ nhân của những sản phẩm ấy, cũng hiện diện tại gian hàng, sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi, thắc mắc của người tiêu dùng.

Như vậy, có tới 3 yếu tố cùng “hợp sức” để tạo nên niềm tin cho người tiêu dùng, để họ có thể chắc chắn là mình đang tiếp cận với những sản phẩm tử tế, một là sản phẩm được làm ra bởi những người tử tế; hai là do một “đơn vị tử tế” đứng ra tổ chức buôn bán, kết nối; ba là không gian, môi trường hoàn toàn tử tế.

“Chợ tử tế” cần được nhân rộng

Mô hình “chợ tử tế” hiện mới có ở TPHCM và cũng chỉ ở một điểm duy nhất - coi như là một sự thí điểm. Thực tế, nhiều người ở nhiều vùng miền, địa phương khác cũng cần có những chợ như thế này. Bởi suy cho cùng, sự tử tế luôn là điều đáng quý, là thứ mà mọi người đều ngưỡng vọng, khát khao, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thực phẩm vừa trải qua một thời kỳ “hỗn mang”, niềm tin người tiêu dùng bị hao hụt.

Thế nhưng, có một thực tế cần nhìn nhận, đó là để sự tử tế hiện diện ngay cả trong từng miếng ăn được lan tỏa thì mọi chuyện không dễ dàng. Nông dân ta nhiều năm qua đã bị lệ thuộc khá sâu và những chất kích thích tăng trưởng, hóa chất, phụ gia để cho năng suất cao, hình thức đẹp, bảo quản được lâu… Cũng giống như vị giác của phần lớn người Việt đã lệ thuộc vào bột ngọt - dù biết độc hại nhưng vẫn chưa thể “cai nghiện”. Giờ đây, muốn có những phiên chợ tử tế, trước hết phải có nguồn hàng tử tế, được canh tác và bảo quản sau thu hoạch một cách tử tế, phải được bán bởi những người tử tế… nói chung, trong suốt một quy trình từ sản xuất đến buôn bán, chữ Tín và chữ Tâm luôn phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, phải có hệ thống công nghệ đủ mạnh và không ít yếu tố quan trọng khác…

Vì thế, mặc dù ai cũng muốn địa phương mình có những phiên chợ tử tế thực sự nhưng không phải cứ “muốn là được”. Nếu địa phương nào đó có chủ trương, dự định tổ chức cần tìm nhà đầu tư/ tổ chức có uy tín, triển khai sản xuất theo công nghệ sạch để tạo nguồn hàng, rồi tìm kiếm, liên kết với các địa phương khác để mở rộng đầu mối phân phối, tổ chức lực lượng bán hàng…Cùng với đó là hàng loạt vấn đề kỹ thuật cũng như những thách thức mà thị trường đặt ra. Bởi giá nông sản sạch đắt hơn đáng kể so với các sản phẩm “bình thường”, không phải người nào cũng đủ sức mua.

Tại TPHCM, mặc dù có ý kiến từ người tiêu dùng đề nghị tổ chức thêm nhiều phiên chợ tử tế, tần suất mỗi lần 1-2 buổi nhưng nhà tổ chức vẫn còn băn khoăn. Một số các đơn vị khác cũng dự định tổ chức các mô hình tương tự nhưng vì nhiều vướng mắc nên đến giờ chưa có thêm điểm chợ nào được mở ra.

Dẫu sao, tiếng vang của “Phiên chợ xanh - tử tế” cũng đã tạo ra một tiền lệ, một mô hình hay, để từ đó có thể nhân rộng trên cả nước, nhận diện và từng bước đẩy lùi những kiểu sản xuất và buôn bán thực phẩm, lương thực “không tử tế”. Như là gió mát lành xua đi gió độc.

Ông Trương Cung Nghĩa, chuyên gia thị trường:
“Tới phiên chợ, người tiêu dùng có thể mua và so sánh thực phẩm họ đang dùng hàng ngày, từ đó làm thay đổi dần nhận thức của họ về các sản phẩm sạch, an toàn để đến một lúc nào đó, khi đã quen với “thực phẩm tử tế” và đủ khả năng cho phép, họ sẽ chọn dùng chúng đều đặn.”
Chị Mayu Ino, phụ trách dự án phi chính phủ từ hạt giống đến bàn ăn (seed to table) của Nhật Bản, đơn vị tài trợ dự án nông nghiệp hữu cơ tại Bến Tre:
“Cung cấp thông tin đầy đủ, công khai minh bạch (về sản phẩm) cho người mua thì họ sẽ hợp tác. Chúng tôi không chỉ làm nông nghiệp hữu cơ mà còn là cách phát triển cộng đồng, hợp tác với cộng đồng”.
Chị Nguyễn Thị Hường (quận Gò Vấp, TPHCM):
“Rau xanh và trái cây là những sản phẩm tôi thường mua nhất. Giá cả các sản phẩm có đắt hơn so với ngoài chợ lẻ nhưng do đều là các sản phẩm sạch, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap nên tôi hoàn toàn yên tâm sử dụng. Không chỉ được mua hàng, đến phiên chợ này, người tiêu dùng còn được hướng dẫn cách lựa chọn sản phẩm sạch, quy trình chế biến đảm bảo dinh dưỡng. Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều phiên chợ nông sản được tổ chức. Giá các loại thực phẩm dần giảm xuống để người tiêu dùng có thể dễ tiếp cận, mua sắm hơn.    

Theo Thủy Tiên - Báo phụ nữ Việt Nam (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video