Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”: Tạo việc làm bền vững cho phụ nữ nhờ học nghề

09/12/2010
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” (gọi tắt Đề án 295) vừa được Chính phủ phê duyệt sẽ tạo cơ hội cho hơn 500 ngàn phụ nữ được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và tạo việc làm.

Đề án có phạm vi tác động tới tình hình kinh tế - xã hội của nhiều vùng, miền. Thông qua hiệu quả của đề án cũng là dịp để Hội LPHN VN nâng cao vị thế hoạt động. Bà Cao Thị Hồng Vân - Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN VN - cho biết thêm:

- Đề án 295 có các mục tiêu cụ thể, như: 70% lao động nữ được phổ biến các chủ trương của Nhà nước về dạy nghề và việc làm; nâng tỉ lệ lao động nữ trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh học nghề đạt 40%, trong đó chú trọng tỉ lệ lao động nữ được đào tạo TC - CĐ nghề; tỉ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%; Các cơ sở dạy nghề, GTVL thuộc Hội LHPN VN và các cấp hội phụ nữ thực hiện tư vấn học nghề, GTVL và tạo việc làm cho khoảng 100 ngàn phụ nữ hằng năm, trong đó khoảng 50.000 lao động nữ được đào tạo nghề...


Đề án được hướng tới tất cả đối tượng phụ nữ hay chỉ tập trung vào những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thưa bà?


- Học nghề, lập nghiệp là quyền lợi, nghĩa vụ của lao động nữ. Do vậy, Đề án 295 hướng tới tất cả phụ nữ VN trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, Đề án cũng ưu tiên tới đối tượng phụ nữ khu vực nông thôn, phụ nữ độ tuổi trung niên, đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người trong diện thu hồi đất canh tác, phụ nữ bị mất việc làm trong các doanh nghiệp.


Đến thời điểm này, Đề án đang được triển khai ra sao?


- Hội đang kết hợp với Bộ LĐ-TBXH hoàn thiện hướng dẫn liên ngành về triển khai thực hiện đề án; phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính của đề án... Tại Hội nghị BCH Hội LHPN VN vừa qua, Đoàn Chủ tịch T.Ư hội đã hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện Đề án tại địa phương; đồng thời hướng dẫn thí điểm việc thực hiện đề án ở một số tỉnh từ triển khai đồng bộ tại 63 tỉnh, thành. T.Ư hội đang xúc tiến thành lập Trường CĐ nghề của tại tỉnh Bắc Ninh và 2 trung tâm vùng đại diện miền núi phía bắc (tại Điện Biên) và miền Trung (tại Hà Tĩnh). Chúng tôi đang chuẩn bị nghiên cứu đánh giá nhu cầu và tổ chức các hội nghị khách hàng tại một số tỉnh điểm trong cả nước...


Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt Đề án 1956)  được triển khai tới cả đối tượng nam và nữ nông dân, vậy để tăng cường hiệu quả của Đề án 295, việc kết hợp lồng ghép triển khai có được tính tới hay không, thưa bà?


- Đề án 1956 có mục tiêu đào tạo hằng năm cho khoảng 1 triệu lao động. Với mục tiêu đào tạo hằng năm đạt 50 ngàn lao động nữ, Đề án 295 góp phần đạt mục tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn. Muốn vậy, Đề án 295 cần huy động nguồn lực và lồng ghép với Đề án 1956 để hướng tới mục tiêu: Tỷ lệ lao động nữ trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh học nghề đạt 40%.


Để việc lồng ghép thực hiện được hiệu quả, UBND tỉnh/thành có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chỉ tiêu lao động nữ trong quá trình xây dựng và thực hiện Đề án 1956 của địa phương mình. Đồng thời, hội LHPN các cấp cũng cần chủ động, tích cực tham mưu vấn đề này. 


Xin cảm ơn bà.

Theo laodong.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video