ĐBQL Lê Thị Nguyệt: Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tập trung tháo gỡ “5 cái nhất” hạn chế

05/11/2019
Phát biểu tại Hội trường ĐBQL Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và bày tỏ sự tán thành cao với việc QH sẽ xem xét và ban hành Nghị quyết về Đề án này.

“Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và bày tỏ sự tán thành cao với việc QH sẽ xem xét và ban hành Nghị quyết về Đề án này. Điều này một lần nữa tiếp tục khẳng định việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và quy định của Hiến pháp đối với đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sống ở khu vực miền núi.

Theo Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh những điểm thuận lợi thì vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tới “5 cái nhất” về hạn chế. Đó là: Vùng khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Do đó, Đề án phải tháo gỡ “5 cái nhất” này.

Trên thực tế, đây cũng là khu vực tồn tại nhiều vấn đề xã hội tác động, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển bền vững của cá nhân, gia đình và dân tộc. Đó là hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, ma túy, hủ tục lạc hậu, buôn bán người, di dân tự do. Tuy nhiên, dự thảo Đề án đang được xây dựng theo cách tiếp cận tương tự các khía cạnh, lĩnh vực khác, thiếu đột phá chiến lược, thiếu nhiều chỉ tiêu dự án. Theo tôi, cần bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến khía cạnh mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, bảo đảm an sinh xã hội, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu. Đồng thời, bổ sung chỉ tiêu phát triển dân số đối với các dân tộc có dân số hiện tại dưới 10.000 người, chỉ tiêu khôi phục bản sắc ở các dân tộc đã bị mai một hoặc có nguy cơ bị mai một. 

Về Chương trình mục tiêu quốc gia, cần bổ sung một dự án quan trọng là giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng dân tộc dân tộc thiểu số, dân số dân tộc thiểu số.

Tôi đồng tình với Dự án bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp bách đối với phụ nữ và trẻ em ở Dự án 6 được xác định trong chương trình mục tiêu quốc gia. Ở mục tiêu Đề án cũng đã quan tâm đến bình đẳng giới, tuy nhiên để phù hợp với yêu cầu bảo đảm bình đẳng giới theo cách tiếp cận giới và phát triển, tôi đề nghị tách đoạn bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới tại quan điểm 1 để hình thành quan điểm 6 về bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới trong tất cả các nhiệm vụ và giải pháp, các hoạt động thực tế đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giải quyết kịp thời, toàn diện những vấn đề quan trọng và cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển toàn diện về thể lực, trí lực và tâm lực. Làm cơ sở cho việc xác định dự án và lồng ghép giới trong các nhiệm vụ, giải pháp liên quan của đề án. 

Nội dung Dự án 6 mới phản ánh được khía cạnh giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, chưa có nội dung về bình đẳng giới. Cần được bổ sung cho đầy đủ nội dung này không chỉ dừng ở việc hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà còn thực hiện việc lồng ghép giới, phản biện xã hội dưới góc độ giới trong xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách chương trình, kế hoạch dự án… Giám sát việc bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức thực hiện các dự án, chương trình, nhiệm vụ dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Đồng bào dân tộc thiểu số và dân tộc ở miền núi cần được thể hiện vai trò trách nhiệm trong Đề án này với tư cách là chủ thể, chứ không chỉ là nhóm được thụ hưởng, để bảo đảm tính thực tiễn và hiệu quả bền vững của Đề án. Mặc dù quan điểm 5 đã xác định có trách nhiệm của người dân và việc phát huy nội lực của các dân tộc thiểu số, nhưng thực tế trong nội dung đề án chưa đề cập vấn đề này. Đây là khía cạnh cần được quan tâm đặc biệt trong Đề án. Tôi đề nghị bổ sung giải pháp phát huy tính sáng tạo, tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sống ở miền núi, phát huy nội lực, tham gia phát triển kinh tế - xã hội. 

Đối với giải pháp thứ ba về ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cần tính đến chính sách thực hiện hai chế độ đào tạo, bồi dưỡng, song song là đào tạo, bồi dưỡng chung và bồi dưỡng bổ trợ dưới hình thức hướng dẫn kèm cặp riêng phù hợp với vị trí việc làm thực tế. Ví dụ việc dạy nghề, bồi dưỡng nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số thì cần phải có định hướng chỉ đạo rất cụ thể, thậm chí phải dắt tay chỉ việc, không nói lý thuyết chung. 

Về kinh phí thực hiện, Đề án đã xác định khá cụ thể tổng số và phân bổ theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, do phân cấp ngân sách nên cũng cần tính đến giải pháp thực tế, bảo đảm không bị gián đoạn kinh phí trong quá trình thực hiện Đề án. Ví dụ, trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Bình đẳng giới năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP về hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách (2 triệu đồng/lần sinh) nhưng qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội và theo Báo cáo của Bộ Y tế, đến năm 2018, tại 53 tỉnh chỉ mới có 52% số đối tượng được hưởng chính sách. Số còn lại do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân mà địa phương báo cáo là không cân đối được ngân sách.

Ngoài 5 điểm nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm về việc áp dụng biện pháp thúc đẩy sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tương tự như biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới để trao cơ hội cho đồng bào có đủ năng lực, đủ khả năng thay đổi và đủ điều kiện để tự giải quyết được các vấn đề của vùng dân tộc để phát triển bền vững. 

daibieunhandan.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video