Đẩy mạnh việc thương mại hóa các đề tài nghiên cứu của nhà khoa học nữ

25/01/2013
Đây là một trong hai mục tiêu chính của Chương trình Phụ nữ với sở hữu trí tuệ và nghiên cứu khoa học mà Hội Nữ trí thức Việt Nam triển khai trong năm 2013. Theo đó, ngoài việc đẩy mạnh thương mại hóa các đề tài nghiên cứu của nhà khoa học nữ, Chương trình còn nhằm hỗ trợ nữ trí thức khoa học bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu của mình.

Phát biểu tại buổi Họp báo ra mắt Chương trình Phụ nữ với sở hữu trí tuệ và nghiên cứu khoa học do Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì tổ chức ngày 23/01/2013, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho biết: Hiện nay, vấn đề bảo vệ các kết quả nghiên cứu và triển khai ứng dụng các kết quả của các đề tài nghiên cứu vào thực tiễn của các nữ trí thức còn gặp rất nhiều khó khăn, còn nhiều tồn tại, hạn chế. Xuất phát từ thực tế đó, Hội Nữ trí thức Việt Nam xây dựng và triển khai Dự án “Nữ trí thức Việt Nam với hoạt động sáng tạo” gồm một chuỗi các tọa đàm “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ và nghiên cứu khoa học”. Đây là sân chơi đầu tiên, là cầu nối, chất xúc tác cho mối quan hệ hợp tác giữa nữ trí thức và doanh nghiệp, doanh nhân, tạo cơ hội hỗ trợ nữ trí thức đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tế, đặc biệt là thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, quảng bá cho sản phẩm và khẳng định thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để nữ trí thức được gặp gỡ, giao lưu tìm hiểu về Luật sở hữu trí tuệ và trao đổi về quá trình cũng như kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nữ.

Đây là một Chương trình vô cùng hữu ích - Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định - Chương trình đã tạo cơ hội để chúng tôi được chia sẻ, trình bày nghiên cứu của mình tới đông đảo mọi người hơn, để mọi người có thể đánh giá đúng công sức, tâm huyết của chúng tôi trong nghiên cứu khoa học và cũng để chúng tôi tìm nguồn chuyển giao và hỗ trợ để đưa công trình nghiên cứu của mình vào thực tiễn cuộc sống, giúp ích cho xã hội. Tiến sĩ Mai cũng bày tỏ cảm xúc của mình khi tham gia tọa đàm: Khi là một nhà khoa học, đặc biệt lại là một nhà khoa học nữ, được nói về nghiên cứu của mình trước đông đảo mọi người thì cảm thấy rất tự hào, đồng thời thấy phải có trách nhiệm hơn trong công tác nghiên cứu bởi biết rằng, mọi người đang nhìn vào và chờ đợi sự hữu ích từ kết quả nghiên cứu của mình.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học – Công ty Nấm Linh Chi, đại biểu tọa đàm chương trình số 1 chia sẻ rằng, sau khi tham gia chương trình, bà ý thức hơn về việc sở hữu trí tuệ, bảo hộ các công trình và kết quả nghiên cứu của mình cũng như sự cần thiết phải tăng cường tính thương mại hóa sản phẩm. Bà có rất nhiều công trình nghiên cứu về nấm, từng được nhà nước Tiệp Khắc (cũ) cấp “Bằng sáng chế” về “Công nghệ sản xuất nấm sò trên rơm không cần khử trùng nguyên liệu”. Bà cũng là người đầu tiên ở nước ta sử dụng công nghệ nuôi trồng quả cầu sinh khí linh chi sản xuất sinh khối linh chi dạng sợi, được ngợi ca là “bà chúa nấm” tìm ra “thần dược nấm” giúp cải thiện sức khỏe con người. Tuy nhiên, PGS cũng thừa nhận, vì quá bận rộn với việc nghiên cứu, ứng dụng nghiên cứu vào thực tế mà chưa quan tâm tới việc đăng kí sở hữu trí tuệ và việc phát triển thương hiệu, kết nối mạng lưới doanh nghiệp sản xuất với người tiêu dùng.

Tại buổi Họp báo ra mắt Chương trình, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các đơn vị tài trợ - không chỉ tài trợ kinh phí mà còn đóng góp nhiều ý kiến xây dựng chương trình. GS cũng hy vọng rằng trong thời gian tới, Chương trình Dự án nói riêng và Hội Nữ trí thức Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm hơn của các cấp, các ngành, của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công Nghệ và các doanh nghiệp, doanh nhân... được tạo điều kiện hơn nữa để Nữ trí thức yên tâm công tác, phát huy hết khả năng và trí tuệ của mình cho nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng khoa học vào thực tiễn, thương mại hóa các sản phẩm, góp phần nâng cao vị thế của Nữ trí thức trong xã hội hiện nay.

 

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video