Đảm bảo các quy định về chính sách đối với lao động nữ được thực thi trong thực tế

14/07/2020
Hội thảo tham vấn chuyên gia về dự thảo Nghị định Quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 14.7.2020 có sự tham gia của đại biểu đến từ các bộ, ngành, tổ chức liên quan, chuyên gia bình đẳng giới, các ban, đơn vị TW Hội.
Hội thảo tham vấn về dự thảo Nghị định Quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019, có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới theo hướng hiện đại, phù hợp hơn với bối cảnh mới của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, trong cách tiếp cận bảo vệ quyền lợi của lao động nữ trên cơ sở bảo đảm bình đẳng giới, thực thi các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam.

Dự thảo Nghị định Quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động nữ và bình đẳng giới trong lao động, bảo đảm tốt nhất các quyền của lao động nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời khuyến khích người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ và thực hiện các biên pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ tịch Hội nhấn mạnh, việc thay đổi cách tiếp cận, từ hướng ưu tiên, bảo vệ cho lao động nữ chuyển sang hướng tiếp cận bình đẳng, thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện về cơ hội công ăn việc làm, thu nhập cho lao động nữ bình đẳng đối với nam giới là cách tiếp cận mới mẻ nhằm hạn chế những khuôn mẫu, rào cản về định kiến giới, luôn cho rằng ưu tiên, bảo vệ lao động nữ, vô tình tạo áp lực cho chính lao động nữ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến sâu về một số vấn đề. Trong đó có quy định nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh và 60 phút cho con bú mỗi ngày trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi của lao động nữ; Hỗ trợ giảm thuế cho người lao động. Đây là chính sách rất hợp lý và nhân văn, cần bảo đảm tính khả thi trong thực tế và bản chất ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, dự thảo quy định trao quyền quyết định cho lao động nữ lựa chọn các hình thức phù hợp và có thể bù đắp thêm tiền lương cho lao động nữ không có nhu cầu nghỉ trong thời gian nghỉ hành kinh và thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi dường như chưa bảo đảm tính nhân văn của chính sách.

Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình bày dự thảo Nghị định

Các quy định phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trình tự, thủ tục, khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo chu thể và phù hợp mang tính đặc thù đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Dự thảo Nghị định đã quy định khái niệm hành vi quấy rối tình dục, nơi làm việc; quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức đại diện người lao động xây dựng môi trường làm việc không quấy rối tình dục... Tuy nhiên, cần phải quy định rõ hơn các khái niệm về hành vi quấy rối tình dục và nơi làm việc để bảo đảm thực thi, xử lý các vụ việc trên thực tế cũng như bảo đảm phù hợp với Công ước số 190 về chấm dứt bạo lực và quấy rối (năm 2019) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Đại diện Tổng công ty May 10 bàn về quy định xây dựng môi trường làm việc không quấy rối tình dục 

Về bố trí lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ, theo khoản 5, Điều 7, dự thảo đang đề xuất hai phương án: giữ quy định mang tính khuyến khích như hiện hành hoặc vừa khuyến khích, vừa bắt buộc. Trong đó, trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên thì bắt buộc phải  lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc, các trường hợp còn lại khuyến khích và phù hợp với nhu cầu lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, quy định như vậy vô hình chung lại tạo ra áp lực cho cơ quan, công ty, doanh nghiệp khi cho rằng chi phí xây dựng phòng vắt, trữ sữa mẹ tốn kém, từ đó hạn chế tuyển dụng lao động nữ.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói về quy định xây dựng nhà vắt sữa, trữ sữa cho lao động nữ

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện có trên 800 phòng vắt, trữ sữa trong số hơn 2900 doanh nghiệp có sử dụng lao động nữ. Đây là con số quá thấp. Trong khi đó, một nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, mức chi phí trung bình cho 1 phòng vắt, trữ sữa chỉ khoảng 10-15 triệu đồng và các phản hồi từ doanh nghiệp có phòng vắt sữa cho thấy, 76,1% phòng hoạt động hiệu quả, 95% người sử dụng lao động đồng ý quan điểm doanh nghiệp nên lắp đặt phòng vắt, trữ sữa, trên 90% lao động nữ cũng cảm thấy hài lòng với việc có phòng vắt, trữ sữa, bên cạnh đó một số ít lao động nữ cho rằng không hiệu quả vì lý do phòng vắt sữa xa với nơi làm việc, không bảo đảm tính riêng tư, thuận tiện...

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa khẳng định, những ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tại hội thảo sẽ được Hội LHPN tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện văn bản góp ý của Hội gửi tới ban soạn thảo Dự thảo Nghị định.

 

Một số nội dung quy định trong dự thảo Nghị định Quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới:

Điều 6. Cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ: Người sử dụng lao động bảm đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế; Khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lập kế hoạch thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, được đào tạo thêm nghề dự phòng, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động nữ.

Điều 7. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ: Nghỉ trong thời gian hành kinh (phương án a): Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 3 ngày trong một tháng; thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng...; Nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (phương án a): Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ ngơi vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động

Điều 14. Xây dựng môi trường làm việc không quấy rối tình dục quy định người sử dụng lao động có nghĩa vụ: Khi xuất hiện việc khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục và có biện pháp nhằm bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người tố cáo và người bị tố cáo; Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nếu như có tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà không tiến hành ngăn chặn, xử lý.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể các điều về: Tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động; Giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo; Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động…

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video