Ðội văn nghệ cựu nữ tù

23/04/2010
Chiều thứ tư hằng tuần, họ lại gặp nhau để tập hát, luyện múa những bài ca đi cùng năm tháng. Những chương trình biểu diễn của họ vang lên khắp dọc dài đất nước từ hơn 20 năm nay. Họ là những diễn viên không chuyên, là những nhân chứng sống trong phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" ở nội đô Sài Gòn trước năm 1975. Ðó là đội văn nghệ cựu nữ tù thành phố Hồ Chí Minh, với những thành viên lên chức bà, nhưng có tinh thần văn nghệ... không tuổi.
Tiếng hát từ ngục tù

Trong chuyến thăm các cựu tù chính trị Côn Ðảo hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, vào những ngày tháng tư lịch sử, tôi được biết tới đội văn nghệ nữ cựu tù chính trị ấy. Vài lần hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được những thành viên trong đội trước chuyến đi biểu diễn lần thứ ba phục vụ đồng bào các tỉnh miền trung, Tây Nguyên. Bác Ðỗ An, cựu tù chính trị Côn Ðảo đưa tôi đến nhà cô Mười Thanh, tức Huỳnh Ngọc Thanh, nguyên trưởng ban Liên lạc cựu nữ tù chính trị thành phố và đồng thời là người phụ trách đầu tiên đội văn nghệ này.

Trong ngôi nhà rộng và khang trang nằm khuất trong ngõ trên đường Lê Văn Sỹ, thành phố Hồ Chí Minh, cô Mười Thanh nhích từng bước khó nhọc đi tìm cuốn an-bum về đội văn nghệ cựu nữ tù, lẫn trong nhiều kỷ vật kháng chiến của mình. Người con gái gốc Sài Gòn giờ đã ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng giọng nói vẫn trầm ấm, trẻ trung như thuở nào. Cô Mười Thanh cho biết: "Ðội văn nghệ được thành lập trực thuộc Ban liên lạc cựu tù chính trị thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1989, ban đầu chỉ có mười chị em đều là cựu nữ tù tham gia. Chị em tập hợp nhau, cùng hát những bài đi cùng năm tháng, cùng nghe những lời ca ra đời trong máu lửa đạn bom". Ngay từ ngày đầu thành lập, đội văn nghệ nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều chương trình giao lưu với cựu chiến binh, thanh niên thành phố hay biểu diễn trong các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn đều có sự đóng góp nhiệt tình của đội văn nghệ này. Với truyền thống phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" ở nội đô Sài Gòn trước năm 1975, tiếng hát át tiếng xiềng xích trong lao tù, những bài hát, bài thơ ấy nhắc về một thời hào hùng của dân tộc, là dịp để chị em gặp nhau ôn lại những kỷ niệm khó quên trong ngày tháng chiến đấu gian khổ. Tiếng hát, lời ca chính là sợi dây kết nối những người chiến sĩ, đồng đội năm xưa. Ðội văn nghệ nhanh chóng thu hút và tập hợp được 40 cựu nữ tù chính trị, những chị em từng bị giam cầm trong ngục tù, từ Khám Chí Hòa (Sài Gòn), Phú Quốc (Kiên Giang), Tân Hiệp (Ðồng Nai) đến ngục tù Côn Ðảo.

Cô Bé Tư, tên thật là Phan Thị Bé Tư, người con gái Bến Tre hoạt động trong tổ võ trang tuyên truyền năm xưa cho biết, chương trình của chị em với nhiều tiết mục đơn ca, tốp ca, đồng ca kết hợp múa phụ họa. Trong đó, tiết mục đặc sắc hơn cả là tốp ca "nam nữ" với sự xuất hiện của các "nam ca sĩ" do chính chị em thể hiện. Là một trong những diễn viên trẻ nhất của đội, cô Bé Tư vào vai anh hùng Nguyễn Văn Trỗi khá đạt. Vai diễn thành công đến mức mà chị em khó có thể tìm ai thay thế cô để vào vai diễn đặc biệt này. Quỹ của đội văn nghệ mà chị em đóng góp hằng tháng không nhiều nhưng cũng đủ để chị em sắm trang phục cho các tiết mục ca múa nhạc tự biên, tự diễn. Những bài ca cách mạng, vở kịch như "Những cánh hoa ngược dòng", "Xuống đường", "Rừng xanh vang tiếng Ta Lư", "Biết ơn chị Võ Thị Sáu", "Người mẹ Việt Nam tay không đánh giặc", "Tiếng hát người nữ du kích Củ Chi", "Bài ca phụ nữ Việt Nam"... được các diễn viên tuổi 60, 70 thể hiện nhưng vẫn mang đến cho người xem không khí sục sôi chiến thắng và hào khí ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Ðội văn nghệ cựu nữ tù chính trị thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ của chính quyền và đoàn thể tổ chức lưu diễn, giao lưu với tuổi trẻ trên mọi miền đất nước. Nhiệt huyết của chị em trong chương trình biểu diễn dọc dài đất nước, từ thành phố mang tên Bác, đến miền trung, Tây Nguyên, ra Hà Nội, lên Ðiện Biên Phủ, nơi nào cũng mang đến sức truyền cảm và sự cảm phục của mọi người. Những giai điệu truyền thống năm xưa của chị em cựu tù còn hòa chung với lời ca, điệu múa ca ngợi Ðảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước đổi mới và phát triển.


Đội văn nghệ chụp chung với nguyên Phó Chủ tịch nước
Trương Mỹ Hoa tại Phủ Chủ tịch năm 2003.

Ký ức hào hùng và nghĩa tình đồng đội

Trong buổi gặp gỡ với các bạn cựu tù chính trị thành phố Hồ Chí Minh, chuyện kể về đội văn nghệ nữ cựu tù chính trị của cô Mười Thanh dường như thước phim chầm chậm dẫn chúng tôi lùi vào ký ức. 15 năm từ năm 1960 đến 1975 di chuyển hết từ trại giam của Tổng nha cảnh sát, Gia Ðịnh, Chí Hòa, Thủ Ðức, Tân Hiệp và Côn Ðảo, cô đựơc coi là người có "thâm niên ở tù" lâu nhất trong đội văn nghệ này. Cô Mười Thanh nhớ lại: "Ngày ấy, trong cùng trại giam, chị em tìm mọi cách để nắm được tất cả các chỉ thị, nghị quyết của chi bộ nhà tù và cả bên ngoài chuyển vào về đấu tranh cách mạng. Chị em chúng tui vẫn hát vang những bài ca cách mạng, về Bác Hồ". Những bài ca chứa chan niềm lạc quan cách mạng, tinh thần chiến đấu hướng tới niềm tin chiến thắng.

Với các hoạt động phong trào và văn nghệ sôi nổi, các cô Mười Thanh, Ba Tốt, Ba Bích (tức cô Ðỗ Ngô Bích) trở thành thần tượng của cô Bé Tư và các chị em từ những năm 60. Ngày ấy, phong trào đấu tranh của phụ nữ ngày càng mạnh mẽ, nhiều chị em bị địch bắt. Tuy bị giam cầm nhưng ngay trong nhà tù, các phong trào đấu tranh cam go của chị em lại ngày càng quyết liệt hơn, tạo nên sức mạnh cách mạng và tinh thần đấu tranh quyết liệt và sâu rộng ở thành phố. Rời trại giam Thủ Ðức sang khám Chí Hòa, cô Bé Tư mới ở tuổi mười tám đôi mươi ở cùng với các chị Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng, Trần Hồng Nhật (Út Nhựt), Nguyễn Thị Loan (Lập Quốc)...

Bây giờ, giãi bày về từng hoàn cảnh của chị em, giọng cô Bé Tư chùng xuống, "Ðội văn nghệ hôm nay, người còn, người mất, hiện chỉ còn vỏn vẹn chưa đến 30 người. Nhưng chị em tui chừng nào còn khỏe, còn đi lại được, chừng ấy còn đến tập hát và đi biểu diễn". Giờ đây, cô Út Nhựt, đội trưởng đội văn nghệ cựu nữ tù chính trị và đội phó Tư Liêm, tên thường gọi của nữ cựu tù Trương Mỹ Lệ cùng các thành viên của đội văn nghệ ấy "tuyển" thêm "diễn viên" mới để bổ sung lực lượng biểu diễn cho các tiết mục đang dàn dựng. Các "diễn viên" mới là con cháu của bạn tù và chị em cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh.

Ðội văn nghệ xây dựng một quỹ tình thương dành cho các cựu nữ tù có hoàn cảnh khó khăn, không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn cả nhiều tỉnh, thành phố. Các mẹ, các dì tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành, vận động các cơ quan, tổ chức, các anh chị em bạn tù để quyên góp tiền và hàng làm quà tặng đồng đội năm xưa. Ðến nay, gần 100 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương trị giá hàng trăm triệu đồng được xây mới, sửa chữa và những suất học bổng cho con em cựu tù được trao từ nguồn quỹ tình thương của đội văn nghệ cựu nữ tù này. Ban Liên lạc xây dựng nhà tình thương mà cô bé Tư tham gia vận động xây dựng được 10 căn, chỉ riêng trong năm 2009.

Càng về những ngày cận kề tháng tư lịch sử, hướng tới kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lịch hoạt động của đội văn nghệ cựu nữ tù chính trị dày kín các chương trình biểu diễn và giao lưu văn nghệ. Theo lời ca, tiếng hát của các mẹ, các dì, những ký ức năm xưa được nhắc lại không chỉ là kỳ tích, chiến công của các nhân chứng sống, những câu chuyện về tình đồng chí, nghĩa đồng bào trong quá khứ hào hứng mà còn là trang tư liệu quý, sống động cho lớp trẻ. Chuyện về đội văn nghệ cựu nữ tù chính trị thành phố Hồ Chí Minh càng ngày càng có ý nghĩa cho hôm nay và mai sau.
TRÀ MY - ND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video