Tuổi nghỉ hưu: Tại sao nữ phải khác nam?

18/03/2013
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 và nam là 60. Tuy nhiên, trong một cuộc Hội thảo mới đây bàn về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, đã có đề xuất là nên tăng tuổi nghỉ hưu của nữ thêm 5 năm. Xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến nhưng đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực này là xu hướng của xã hội.

Tuổi nghỉ hưu sớm ảnh hưởng đến sự nghiệp

GS.TS Lê Thị Quý năm nay đã ở tuổi 63. Bà nguyên là giảng viên Khoa tâm lý, Đại học KHXH&NV Hà Nội. Ở tuổi này, GS.TS Quý đương nhiên đã nghỉ hưu, hưởng lương hưu theo đúng luật định nhiều năm nay. Nói là nghỉ hưu nhưng thực tế GS.TS Quý bây giờ vẫn đều đặn mỗi ngày lên giảng đường Đại học KHXH&NV Hà Nội để giảng dạy cho sinh viên. Bà vẫn ngồi ở ghế Hội đồng để xét duyệt, vẫn hướng luận án thạc sỹ, tiến sỹ... cho sinh viên của ngôi trường từng nhiều năm gắn bó này. Có lẽ sự khác nhau duy nhất của GS.TS Quý trước và sau khi nghỉ hưu là ở vị trí công tác vì bà không còn tham gia quản lý.

Không chỉ ký hợp đồng giảng dạy tại trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, sau khi nghỉ hưu, GS.TS Quý còn thành lập Viện nghiên cứu Giới và Phát triển, đích thân bà làm Giám đốc. Nói đến vấn đề tuổi nghỉ hưu của phụ nữ, GS.TS Quý bày tỏ: “Quan điểm của tôi là nam nữ bình đẳng, tuổi nghỉ hưu đều là 60. Tại sao nữ lại nghỉ hưu sớm hơn nam 5 năm? Hoàn toàn vô lý và không có căn cứ khoa học. Chỉ những người nào lao động trong môi trường độc hại có thể xem xét cho họ nghỉ sớm hơn. Thế nhưng, Nhà nước không thể lấy nhóm này để áp đặt cho tất cả phụ nữ nói chung. Một khi sức khỏe bảo đảm, vẫn muốn cống hiến, vẫn lao động tốt ở tuổi 55 đến 60, tại sao lại bắt người ta nghỉ. Tôi thấy câu nói: “Chưa kịp cất cánh đã hạ cánh” với nhiều phụ nữ là đúng. Thời điểm người phụ nữ sung sức nhất, có khả năng phát triển nhất thì họ lại mất từ 5 đến 10 năm để sinh đẻ và nuôi con. Vì sinh đẻ mà người phụ nữ bị kìm lại. Tuổi 55 là tuổi rảnh rang, con cái đã trưởng thành, người phụ nữ có thể toàn tâm toàn ý cống hiến thì lại bắt người ta về. Đó là điều phi lý”.

Theo GS.TS Quý, nghỉ hưu sớm Nhà nước sẽ tốn tiền chi trả lương hưu trong khi phung phí mất một lượng tri thức đáng kể. Tuổi nghỉ hưu sớm cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình đạo tạo và đề bạt của phụ nữ. GS.TS Quý cho biết: “Ở một số nơi vẫn bắt buộc nữ giới phải hoàn thành tiến sỹ, thạc sỹ trước nam giới 5 năm. Không có chính sách ưu tiên còn bắt nữ phải giỏi hơn nam giới 5 năm. Bên cạnh đó, qui định phụ nữ đã ngoài 50 tuổi là không được đề bạt nữa, rất bất công. Điều này làm hạn chế sự phát triển của phụ nữ. Lực lượng nữ làm quản lý vốn đã ít hơn nam, với chính sách này càng làm cho “teo tóp” hơn. Đây là sự phân biệt đối xử không công bằng”.

“Bình đẳng tuổi về hưu sẽ góp phần phát huy những tiềm năng chưa được khai thác hết ở lao động nữ. Ý kiến cá nhân của tôi trước mắt chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu nữ”. Bà Nguyễn Thúy Anh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội)

Tưởng như ưu đãi nhưng...

GS.TS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện thanh niên (Trung ương Đoàn) lại có cách nhìn khác: “Nếu xem xét ở góc độ kinh tế học, việc phụ nữ được nghỉ hưu trước nam giới 5 năm là một chính sách tiến bộ. Chỉ những nước nào giàu, ngân sách lớn thì họ mới cho tuổi nghỉ hưu sớm. Được nghỉ sớm là sự ưu tiên vì phải lấy ngân sách Nhà nước để bù vào. Có thể hiểu cho phụ nữ nghỉ sớm là sự ưu đãi của Nhà nước ta. Nghỉ tức là không phải làm việc nữa mà vẫn được hưởng lương, chắc chắn là ưu đãi rồi”.

Về nguyên tắc nghỉ hưu sớm là sự ưu ái nhưng theo GS. TS Khanh, với điều kiện Việt Nam hiện nay, điều này chưa hẳn đã là ưu đãi. “Nền kinh tế của ta quá thấp, đồng lương quá thấp. Người về hưu không thể sống được với đồng lương của mình nên vẫn phải đi làm. Từ đó có thể thấy, việc nghỉ hưu sớm tưởng như là ưu đãi nhưng thực tế lại không như vậy. Đi làm thì ngoài đồng lương cơ bản còn có phụ cấp. Về hưu thì chỉ hưởng mỗi đồng lương ít ỏi do đó chính sách ưu đãi, vô tình đẩy người phụ nữ đến chỗ khó khăn hơn. Thực tế là lực lượng nữ tri thức hầu hết nghỉ hưu vẫn đi làm là phổ biến”, GS. TS Khanh phân tích.

GS.TS Quý cũng chia sẻ: “Việt Nam là nước hướng tới sự bình đẳng giới từ rất sớm nhưng chính sách nghỉ hưu đối với nữ lại là bất bình đẳng. Hầu hết bạn bè, đồng nghiệp của tôi đã nghỉ hưu nhưng tất cả vẫn tiếp tục cống hiến. Họ làm thêm ở các tổ chức này nọ, họ lập ra các tổ chức để tiếp tục làm việc chứ chẳng ai ở nhà cả. Với tôi cũng thế, tôi sẽ làm đến lúc chết. Tôi có quyền cống hiến, tôi được quyền lao động, không ai có thể tước bỏ và tôi sẽ làm việc đó cho đến khi nào có thể”.

Về góc độ bình đẳng giới, theo GS. TS Khanh, nguyên tắc là nam và nữ phải bình quyền. Quan điểm của ông là ưu tiên cho phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 55, xem đây là sự ưu ái đối với phụ nữ nhưng quyền của họ là được ngang bằng nam giới, tức là nghỉ ở tuổi 60. Có người muốn về, có người không, có người về thất nghiệp, lương hưu không đủ sống, họ không muốn về thì thôi... Như vậy, khoảng thời gian 5 năm sau là quyền lựa chọn của người phụ nữ.

Trước ý kiến cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ sẽ làm lực lượng trẻ giảm đi cơ hội, GS.TS Quý bày tỏ: “Quan điểm đó là... chẳng hiểu gì cả. Thử hỏi trong xã hội này lực lượng nữ chiếm bao nhiêu, nhất là ở cấp lãnh đạo. Tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ vừa đảm bảo công bằng, vừa mang lại lợi ích cho xã hội”.

Trên cơ sở góp ý dự kiến hướng dẫn Khoản 3, Điều 187 Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu, BCH Hội LHPN Việt Nam đề nghị Nghị định hướng dẫn khoản này theo một trong hai phương án: Phương án 1, điều chỉnh tăng 5 tuổi đối với nữ cán bộ, công chức viên chức có học vị thạc sỹ, tiến sỹ, học hàm giáo sư, phó giáo sư (Nhóm lao động chuyên môn kỹ thuật cao); có chức danh phó Vụ trưởng (thuộc Bộ và tương đương), phó Sở, ngành và tương đương trở lên (Nhóm lao động quản lý); người giữ ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên gia không quản lý, lãnh đạo (Nhóm đặc biệt khác). Phương án 2, điều chỉnh tăng 5 tuổi đối với nữ cán bộ, công chức viên chức có học vị tiến sỹ, học hàm giáo sư, phó giáo sư (Nhóm lao động chuyên môn kỹ thuật cao); có chức danh Vụ trưởng (thuộc Bộ và tương đương), Giám đốc Sở, ngành và tương đương trở lên (Nhóm lao động quản lý); người giữ ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên gia không quản lý, lãnh đạo (Nhóm đặc biệt khác).

 

Theo báo Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video