Phản biện xã hội, góp ý chính sách phải xuất phát từ thực tiễn

19/09/2019
Đó là một trong những nội dung tại tham luận của đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX,nhiệm kỳ 2019-2024, ngày 19/9/2019.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, ngày 19/9 đã diễn ra 5 nhóm thảo luận về 5 chương trình hoạt động của Mặt trận. Website Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu tham luận của đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tại phiên "Thảo luận về chương trình 3: thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống, tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh".

Kính thưa Đại hội!

Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình cao với các văn bản dự thảo do Đoàn Chủ tịch Đại hội đã trình bày.

Nhiệm kỳ qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện rõ nét, đa dạng, hiệu quả công tác phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên Mặt trận và Chính phủ, sáng tạo, quyết liệt trong tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực ở cả 5 chương trình công tác. Vai trò, vị thế của Mặt trận ngày càng được nâng lên.

Tham luận tại Đại hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xin làm rõ thêm việc thực hiện chức năng đại diện cho phụ nữ thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Những năm gần đây, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã được thể chế tương đối rõ trong các quy định của Đảng, Nhà nước. Từ thực tiễn 5 năm qua, với 15 ngàn cuộc giám sát chuyên đề và tham gia gần 56 ngàn cuộc giám sát khác, chúng tôi cho rằng, muốn phản biện tốt phải coi trọng hoạt động giám sát, nhất là giám sát thường xuyên.

Với hoạt động phản biện xã hội, việc xác định, lựa chọn nội dung phản biện là cốt lõi và phải cơ bản dựa trên các vấn đề phát hiện từ giám sát. Tuy nhiên, phương pháp, cách làm rất quan trọng. Kinh nghiệm từ việc phản biện gần 38 ngàn văn bản dự thảo và tổ chức gần 22 ngàn hội nghị phản biện xã hội, 22 ngàn cuộc đối thoại trực tiếp của phụ nữ với các cơ quan liên quan đã cho chúng tôi một số bài học ban đầu trong phản biện xã hội là:

Thứ nhất, phản biện xã hội nhất thiết phải dựa trên những luận cứ khoa học. Có thể nói, để đảm bảo tính thuyết phục cho các ý kiến đề xuất, chúng tôi luôn phải tìm tòi những căn cứ khoa học cho những lý lẽ, lập luận của mình, đặc biệt coi trọng ý kiến phân tích của các chuyên gia, các nhà khoa học và kết quả từ các công trình nghiên cứu khoa học.

Đơn cử như, đối với dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Hội đã tổ chức 7 hội thảo khoa học, tham vấn 20 chuyên gia độc lập và lấy ý kiến từ hơn một triệu phụ nữ.

Nội dung phản biện của chúng tôi luôn dựa trên kết quả của nghiên cứu khoa học, của các nhà khoa học ở các cơ quan nghiên cứu có uy tín, đồng thời trong đó có nhiều nghiên cứu do chính Hội thực hiện.

Xin báo cáo với Đại hội, chỉ tính riêng cơ quan TW Hội, từ năm 2014 đến nay đã thực hiện hàng trăm đề tài khoa học công nghệ các cấp (02 đề tài cấp Nhà nước; 18 đề tài cấp Bộ) và rất nhiều nghiên cứu, khảo sát nhanh về các vấn đề xã hội có liên quan.

Thứ hainội dung phản biện, góp ý chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, thậm chí có những việc là kết quả của sự dày công thử nghiệm từ các mô hình hoạt động của các cấp Hội trong nhiều năm.

Để đề xuất đưa Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”vào chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, chúng tôi phải bắt đầu từ mô hình cụ thể ở An Giang, sau đó phát động thành cuộc vận động thực hiện gần 10 năm tại các cấp Hội.

Theo hướng này, hiện nay, Hội đang tập trung thực hiện Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" ở 20 tỉnh/thành với 517 nhóm trẻ, để làm cơ sở cho đề xuất chính sách hỗ trợ nữ công nhân lao động - những người đang đứng trước vô vàn khó khăn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con trẻ.

Hoặc từ câu chuyện chắc nhiều người biết đến về người mẹ trong nước mắt dắt con gái 5 tuổi bị xâm hại ở phường 14, quận Tân Bình, TP. HCM đi giám định từ 4 giờ chiều đến 12 giờ đêm qua rất nhiều nơi, gặp rất nhiều khó khăn, cơ quan này chỉ đến cơ quan khác, chúng tôi có ý tưởng và hiện đang nghiên cứu thử nghiệm mô hình “Trung tâm một điểm dừng” hỗ trợ toàn diện từ y tế, tâm lý, đặc biệt là quy trình pháp lý ban đầu. Hy vọng sẽ là cơ sở để Hội đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng về một quy trình bảo vệ, hỗ trợ, tư vấn thân thiện cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại.

Thứ ba, đề cao trách nhiệm và tính xây dựng trong phản biện, kiên trì, bền bỉ, biết lắng nghe, hợp tác trong việc theo đuổi vấn đề, nhất là trong việc lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em khi bị vi phạm. Như vụ án dâm ô trẻ em xảy ra ở Vũng Tàu, Hội đã vào cuộc ngay từ đầu, với nhiều cách thức khác nhau, từ việc kiến nghị, làm việc với các cơ quan chức năng, đến thu hút sự ủng hộ của công luận với 40 bài viết trên Báo Phụ nữ Việt Nam, trong thời gian kéo dài đến 2 năm. Bản án nghiêm khắc đối với bị cáo thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật là kết quả của sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó chắc chắn có sự theo đuổi kiên trì, bền bỉ và trách nhiệm của các cấp Hội trong vụ việc này.

Thứ tư, quá trình phản biện xã hội phải đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ trong điều kiện, hoàn cảnh chung của địa phương, của đất nước. Một trong những điều chúng tôi trăn trở hiện nay, Nhà nước cần có chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn, nông nghiệp, phụ nữ lao động ở khu vực phi chính thức vì việc sinh con của người phụ nữ là thực hiện chức năng xã hội. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước, thì việc mở rộng chính sách cho tất cả các đối tượng như trên cần nguồn lực rất lớn và cần phải có lộ trình, thời gian. Ý thức được thực tế đó, năm 2015, Hội đã cùng các bộ/ngành chức năng đề xuất chính sách này nhưng với đối tượng hẹp hơn, chỉ hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số (Nghị định 39).

Thứ năm, phản biện luôn cần có sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, sự phối hợp với MTTQVN và các tổ chức khác. Trung ương Hội đã ký kết chương trình phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cáo, Tòa án nhân dân tối cao. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh các chương trình hiệp thương, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành trong giám sát các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, trong phản biện chính sách, pháp luật, chương trình, dự án…

Nhân đây, thay mặt Hội LHPN Việt Nam, xin trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành của MTTQ Việt Nam các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân vì quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, trẻ em.

Kính thưa Đại hội!

Các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em ngày càng phức tạp. Trong khi điều kiện nguồn lực của Hội có hạn, trình độ, năng lực giám sát, phản biện cán bộ còn hạn chế, cơ chế tiếp thu, xử lý các ý kiến phản biện, các kiến nghị sau giám sát chưa rõ ràng... Là thách thức tôi nghĩ không chỉ với riêng tổ chức Hội trong thực hiện nhiệm vụ này. Trong thời gian tới, tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau: 

Một, việc tập hợp ý kiến nhân dân, quy tụ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được MTTQ thực hiện hiệu quả hơn. Tuy nhiên trong điều kiện mạng xã hội đang ngày càng trở thành diễn đàn của đông đảo người dân (mà tôi tin rằng số đông trong đó là người tốt, là tích cực), đề nghị Mặt trận Tổ quốc chủ trì nghiên cứu cách thức khai thác thế mạnh của mạng xã hội, quy tụ, lấy ý kiến nhân dân, tập hợp, quy tụ khối đại đoàn kết toàn dân thông qua cộng đồng này.

Hai, đề nghị tăng cường vai trò kết nối của Mặt trận với hàng nghìn các tổ chức xã hội hiện nay để tập hợp ý kiến, tạo sự đồng thuận của nhân dân, đồng thời tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại giữa các tầng lớp nhân dân với cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp.

Ba, Kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xây dựng cơ chế (Nghị định) tiếp thu, xử lý kiến nghị sau giám sát; đặc biệt là quy định việc tham vấn, lấy ý kiến của nhân dân, tiếp thu ý kiến phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong qui trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Xin kính chúc sức khỏe các quý vị đại biểu, chúc Đại hội thành công tốt đẹp, trân trọng cảm ơn!

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video