Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và nạn nhân bị mua bán trở về

07/08/2022
Công tác hỗ trợ, trợ giúp nạn nhân bị mua bán trở về còn nhiều khó khăn, bất cập như: Người dân chưa nhận thức đầy đủ về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; việc xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán vẫn còn kéo dài, khó khăn trong việc thu thập thông tin từ quốc gia có liên quan; nguồn lực hỗ trợ cho người lao động di cư hồi hương hạn chế...
Hội thảo “Vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và hỗ trợ, xác minh nạn nhân bị mua bán trở về”

Tại hội thảo “Vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và hỗ trợ, xác minh nạn nhân bị mua bán trở về” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 29/7, nhiều đại biểu tham dự nhấn mạnh đến công tác hỗ trợ, trợ giúp nạn nhân vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập như: Người dân chưa nhận thức đầy đủ về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; việc xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán vẫn còn kéo dài, khó khăn trong việc thu thập thông tin từ quốc gia có liên quan; nguồn lực hỗ trợ cho người lao động di cư hồi hương hạn chế...

Trên thực tế, với những hạn chế, vướng mắc trong việc thực thi luật và quy định về xử lý vi phạm hành chính, vi phạm hình sự đã tạo kẽ hở để các loại tội phạm hoạt động, khiến lao động di cư phải đối mặt với rủi ro trở thành nạn nhân của di cư bất hợp pháp, của lao động cưỡng bức và mua bán người.

Đại tá Đoàn Thế Vinh, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công An - cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2022, đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tổng đài 111 tiếp nhận 1.095 cuộc gọi, tăng 75 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 850 cuộc gọi đề nghị cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng, tình hình mua bán người tại Việt Nam và các vấn đề khác như di cư, xuất khẩu lao động hoặc việc làm…

Đại tá Đoàn Thế Vinh cũng nêu ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân như: Tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, người dân, nhất là người có nguy cơ cao về âm mưu, thủ đoạn của tội mua bán người và chế độ chính sách cho nạn nhân bị mua bán. Triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng, đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình thành công.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: “Với đặc thù là loại tội phạm khai thác tình trạng dễ bị tổn thương, khó khăn, tuyệt vọng cũng như niềm tin của nạn nhân, bọn tội phạm mua bán người đã và đang lợi dụng tính chất không biên giới của công nghệ thông tin để tìm kiếm, bóc lột nạn nhân và thu lợi bất chính không có điểm dừng. Thời gian qua, Hội đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, phòng, chống di cư trái phép, đồng thời hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, hỗ trợ xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán trở về. Hàng năm, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an thực hiện chuỗi hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống mua bán người, di cư trái phép cho nhân dân; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người, các hội thảo vận động chính sách, các chương trình, sự kiện tuyên truyền cộng đồng”.

“Để bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Việt Nam đã có nhiều quy chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành có liên quan như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân; triển khai các dịch vụ hỗ trợ xã hội, đường dây nóng, xây dựng các nhà tạm lánh. Bên cạnh đó, việc tạo sinh kế cho lao động hồi hương cũng được Việt Nam triển khai để ổn định tình hình kinh tế và thực hiện an sinh xã hội, hướng tới việc giảm thiểu tình trạng lao động di cư trái phép”- bà  Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video