Trống quân “ăn vào máu, thấm vào hồn”
Căn nhà cụ Vẫy nằm lấp ló phía sau đình làng. Lúc tôi đến, cụ Vẫy đang trông chắt. Thỉnh thoảng, cụ cất lên mấy làn điệu trống quân. Đứa cháu ê a hát theo, tay gõ xuống chiếc trống nhỏ để làm nhịp phách… Cụ Vẫy cười: “Biết đâu sau này, thằng bé cũng thành… nghệ nhân hát trống quân nhỉ?”.
Từ khi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hà Nội vinh danh là Nghệ nhân Ưu tú, cụ Vẫy phấn khởi lắm. Bao nhiêu năm gắn bó với hát trống quân, truyền dạy cho con cháu những làn điệu trống quân cổ và sáng tác thêm các làn điệu mới, công lao của cụ đã được ghi nhận. Cụ cười rạng ngời: “Trống quân theo chúng tôi từ thời còn cắt cỏ, chăn trâu, đan dậm. Rồi làn điệu trống quân mai một dần. Tôi cứ tiếc, nhưng vẫn cứ hát. Hồi đó chỉ nghĩ, bây giờ chưa ai biết đến trống quân nhưng sau này người ta sẽ phải bảo vệ, giữ gìn nó thôi”.
Cụ Vẫy kể, cụ sinh ra thì trống quân đã trở thành món ăn tinh thần trong đời sống quê hương. Mẹ của cụ cũng là nghệ nhân trống quân, thuộc rất nhiều làn điệu cổ, thường sáng tác làn điệu mới để dạy cho con trai, con gái. Trong số các con, có cụ Vẫy và chị gái nữa là mê hát trống quân nhất. Sáng mở mắt dậy là hát, ra đồng hát, ngồi nhai trầu hát, tối lên giường cũng hát. Hát trống quân ngấm vào máu, vào lời ru con cháu... Tiếng trống quân thấm dần vào tâm tưởng của cụ, trở thành thú vui hằng ngày không thể thiếu. Hát trống quân ở Thanh Hà là vậy, cứ tự vận đối đáp, rồi nhiều đôi nên vợ nên chồng. Cụ ông Nguyễn Văn Cường vì mê tiếng hát của cụ mà xe tơ kết tóc với cụ. Khi đứa con thứ 6 của cụ vừa 4 tháng, cụ lại ra đình hát. “Mẹ̣ chồng tôi thích con dâu hát trống quân, nên luôn ủng hộ tôi đi hát”.
Đau đáu giữ hồn trống quân cho thế hệ trẻ
Tình yêu với làn điệu trống quân thấm dần vào máu, vào hơi thở, vào từng nhịp điệu cuộc sống hằng ngày của cụ Vẫy. Thấy điệu trống quân dần dần trôi vào quên lãng, cụ xót xa lắm. Làn thế nào để sống dậy điệu trống quân là điều mà cụ và các nghệ nhân hát trống quân xã Khánh Hà trăn trở.
Năm 2005, CLB hát trống quân xã Khánh Hà ra đời để gây dựng phong trào văn hóa văn nghệ và truyền dạy nghệ thuật hát trống quân cho con cháu. Cụ Vẫy là một trong những nghệ nhân đầu tiên trong CLB. Các nghệ nhân cung cấp lời hát trống quân cổ, đồng thời biên soạn, sáng tác lời mới phục vụ công tác tập luyện và truyền dạy. Mỗi năm, CLB mở một lớp tập hát trống quân cho 20 cháu bé từ 9-15 tuổi. Gần 10 năm qua, có khoảng hơn 100 người dân trong 7 thôn được truyền dạy hát trống quân, trong đó có 45 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt trong đội văn nghệ và tham gia biểu diễn dịp hội làng, lễ tết.
Với lòng say mê đầy nhiệt huyết của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy đã dạy 32 cháu hát trống quân. Trong gia đình, cụ còn truyền dạy cho con cháu thuộc các điệu trống quân, vừa biểu diễn trong các cuộc thi, lễ hội tại làng và trong đơn vị, cơ quan làm việc. Trong đó, có cháu trai Nguyễn Văn Trọng, SN 1997, và cháu Nguyễn Thị Thường, SN 1998 là đôi hát trống quân ăn ý, được nhiều lời khen. Đến nay các cháu đều hát tốt và đã đi tham gia biểu diễn nghệ thuật hát trống quân ở nhiều nơi, nhận được bằng khen. Cụ được BCH Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và huy hiệu Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam vào năm 2009.
Tháng 11 năm nay, cụ được vinh danh là Nghệ nhân ưu tú. Cụ trăn trở: “Lớp già chúng tôi say mê hát trống quân nhưng tuổi cao, sức yếu rồi. Nay chúng tôi trông chờ vào thế hệ trẻ tiếp nối, giữ lửa cho làn điệu trống quân trường tồn theo năm tháng”.
Ông Nguyễn Mạnh Tươi, chủ nhiệm CLB hát trống quân xã Thanh Hà nhận xét: “Cụ Vẫy là một trong những nghệ nhân đầu tiên có công trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển làn điệu trống quân xã Khánh Hà. Cụ cũng là nghệ nhân nhiều tuổi nhất, giữ nhiều làn điệu trống quân cổ và sáng tác nhiều làn điệu mới, trong đó có nhiều làn điệu hay.