|
Sinh hoạt tổ phụ nữ tại ruộng lác, cách làm linh động để thu hút hội viên |
Công tác tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ tham gia tổ chức Hội là một nhiệm vụ then chốt trong việc xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội các cấp sẽ góp phần giữ vững an ninh, ổn định chính trị, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021 đã xác định: “Hàng năm, phát triển hội viên tăng từ 1- 2%. Đến cuối nhiệm kỳ tỷ lệ thu hút hội viên đạt trên 85% trong tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên; 90% hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên và đóng hội phí. Cuối nhiệm kỳ có 90% cơ sở Hội đạt vững mạnh”; đồng thời, thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; đa dạng hoá các hình thức tập hợp phụ nữ; phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ”.
Để thực hiện Nghị quyết, nửa nhiệm kỳ qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội để thu hút phụ nữ, hội viên tham gia sinh hoạt tích cực, thường xuyên; trong đó, ưu tiên công tác củng cố, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ Hội theo hướng hiệu quả thực chất; hình thức tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức hội đã được đa dạng hóa, phù hợp với sở thích, độ tuổi, công việc, nhu cầu theo phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”; nội dung hoạt động luôn đảm bảo theo phương châm “Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu hoạt động Hội” nhằm đáp ứng một cách thiết thực, hiệu quả nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ.
Kết quả, tính đến cuối năm 2018, tổng số hội viên toàn tỉnh là 192.199 hội viên (trong đó, hội viên theo địa bàn dân cư là 148.087 tăng 1,09% so cuối năm 2017; CBCC-lao động là 44.057), tổng số hội viên đạt 59,62% số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên; số cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp hội viên đạt từ 50% trở lên là 89 cơ sở, đạt 118,67% so với chỉ tiêu đăng ký.
Tuy nhiên, công tác tập hợp, thu hút hội viên trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Hiện tại, tỉnh Vĩnh Long còn 20 cơ sở của 03 huyện (Vũng Liêm, Trà Ôn và Tam Bình) có tỷ lệ tập hợp dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội, trong đó có cơ sở chỉ tập hợp được 19,87%. Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tổ chức khảo sát và xác định một số nguyên nhân khách quan cơ bản dẫn đến tỷ lệ tập hợp hội viên chưa đạt, trong đó có lý do chị em đi làm ăn xa, chuyển sang sinh hoạt Hội người cao tuổi, lấy chồng ở địa phương khác,…
Mặt khác, nguyên nhân chủ quan được nghiêm túc đánh giá là cán bộ Hội ở một số cơ sở thiếu chủ động trong công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện phong trào công tác Hội dẫn đến phong trào và hoạt động của Hội chưa thựt sự đi vào chiều sâu; chưa có hình thức, nội dung phong phú để tổ chức sinh hoạt Hội; chưa kịp thời nắm bắt và phản ánh tình hình tư tưởng, nguyện vọng, nhu cầu của hội viên, phụ nữ; qua đó, chưa xây dựng được hình ảnh Hội trong tâm trí của phụ nữ, chưa thực sự trở thành nơi mà phụ nữ có nhu cầu, mong muốn được tham gia sinh hoạt.
Sau khi phân tích, đánh giá thực trạng, để nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở, đa dạng hoá các hình thức tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên đảm bảo không có cơ sở Hội đạt tỷ lệ tập hợp phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội dưới 50%,, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long xác định một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thường xuyên rà soát, thống kê các loại hình tổ chức Hội cơ sở tại địa phương; phân công cán bộ Hội chuyên trách phụ trách địa bàn chủ động tham gia cùng cơ sở khảo sát thực chất tổ chức, đánh giá, phân loại một cách trung thực, khách quan ở từng chi hội, nắm rõ số lượng hội viên thực tế, phân loại hội viên; đặc biệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội cơ sở về tầm quan trọng của công tác phát triển hội viên, coi đây là nhiệm vụ có tính chất quyết định sự phát triển của hệ thống Hội. Đặc biệt, với tình hình hiện tại toàn tỉnh còn 20 cơ sở Hội có tỷ lệ dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên” tại huyện Vũng Liêm để tìm ra giải pháp nâng cao tỷ lệ tập hợp hội viên.
Thứ hai: Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025” theo Quyết định số 1893/QĐ-TTg, ngày 31/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội chủ chốt, nhất là cấp cơ sở theo hướng “đủ về số lượng” và “mạnh về chất lượng”; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội; chủ động rà soát, tạo nguồn; xây dựng đội ngũ Chi hội trưởng/Tổ trưởng có uy tín, nhiệt tình với công việc, gần gũi với hội viên, phụ nữ tại địa phương, có năng lực tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ.
Thứ ba: Thường xuyên nắm bắt, phản ánh kịp thời tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ với cấp uỷ, chính quyền cùng cấp, Hội cấp trên; thể hiện trách nhiệm cầu nối giữa phụ nữ với Đảng, Nhà nước; Chủ động phát hiện, kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, không để xảy ra tình trạng không lên tiếng; đồng thời, thực hiện có hiệu Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2799/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Long.
Thứ tư: Đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Hội theo hướng thực chất; trọng tâm là tổ chức sinh hoạt chi hội/tổ hội - nơi quy tụ, đoàn kết và phát triển hội viên. Nội dung và chất lượng sinh hoạt phải theo hướng sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; sát với tâm tư, nguyện vọng của hội viên và chị em phụ nữ; sát thực với tình hình thực tiễn từ cơ sở; đồng thời quan tâm đến việc tổ chức sinh hoạt các chuyên đề mở rộng để tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia, hướng dẫn tìm hiểu Điều lệ Hội, thấy được quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia tổ chức Hội và đây là hình thức chăm lo, tạo nguồn hội viên có tính thiết thực nhất.
Thứ năm: Đa dạng hoá các hình thức tập hợp phụ nữ phù hợp với đối tượng, lứa tuổi, theo sở thích theo phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”. Phát huy tính hiệu quả, đa dạng của các loại hình mô hình/câu lạc bộ phụ nữ đã xây dựng; điển hình như: Gia đình 5 không 3 sạch; Gia đình hạnh phúc; Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; Phụ nữ tham gia phòng, chống tội phạm; Hỗ trợ phụ nữ hoàn lương; Phụ nữ với pháp luật; Trợ giúp pháp lý; Phụ nữ truyền thống; Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; Hùn vốn cất nhà kiên cố… và mô hình tập hợp hội viên theo công việc có hiệu quả như: mô hình Sinh hoạt tổ phụ nữ trên ruộng lác/sinh hoạt Hội tại cơ sở xắt cam/sinh hoạt tổ trên đất rẫy (Vũng Liêm); mô hình sinh hoạt Hội trên ruộng khoai (Bình Tân).
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi các cấp Hội cần có những sáng kiến, giải pháp linh hoạt để tập hợp phụ nữ theo nhóm đặc thù như: nữ doanh nhân; nữ lãnh đạo, quản lý; phụ nữ di cư; phụ nữ trong các khu đô thị mới; nữ công nhân; … vào tổ chức Hội, mở rộng tính liên hiệp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ.
Nhã Trúc
|